Tìm kiếm Blog này

20 tháng 11 2022

HKPT_Bài 02: Những nguyên lý CĂN BẢN

 

Bài 02

NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN

Tuy phong thủy sau này phân chia thành nhiều phái, với mỗi phái đều có những nguyên lý riêng biệt và mâu thuẩn, nhưng nền tảng của mỗi phái đều bắt nguồn từ Hà Đồ, Tiên Thiên Bát Quái, Lạc Thư và Hậu Thiên Bát Quái, cũng như những nguyên lý về Âm-Dương và Ngũ Hành. Cho nên trước khi đi vào những nguyên lý chính của Huyền Không thì phải biết qua những lý thuyết căn bản đó.

1) HÀ ĐỒ:

Theo truyền thuyết thì vua Phục Hy bên Tàu thấy thần mã xuất hiện ở sông Hoàng Hà, trên lưng có chữ số theo 4 phương vị BẮC – NAM – ĐÔNG – TÂY 


nên ghi chép lại, gọi là Hà Đồ như hình 1

Khẩu quyết của Hà đồ như sau:

“Nhất – Lục công tông, vi thủy cư BẮC.

Nhị – Thất đồng đạo, vi Hỏa cư NAM.

Tam – Bát vi bằng, vi Mộc cư ĐÔNG.

Tứ – Cửu tác hữu, vi Kim cư TÂY.

Ngũ – Thập cư trung, vi Thổ cư trung”.

Tạm dịch là:

“1 – 6 đồng tông (cùng gốc), là Thủy đóng phía BẮC.

2 – 7 đồng đạo (cùng chí hướng), là Hỏa đóng phương NAM

3 – 8 là bè bạn, là Mộc đóng nơi phía ĐÔNG.

4 – 9 là anh em, là Kim đóng ở phía TÂY.

5 – 10 là Thổ nằm ở chính giữa”.

Dựa theo khẩu quyết đó có thể biết vào thời Phục Hy, con người chỉ biết có 4 hướng là BẮC – NAM – ĐÔNG – TÂY mà thôi.

2) TIÊN THIÊN BÁT QUÁI:

Từ Hà Đồ, người đời sau khi phát hiện ra được 8 hướng mới lập ra Bát quái mà đưa 8 quẻ Dịch vào đó như hình 2. (cũng có thuyết cho là Phục Hy, nhưng thiết nghĩ không đúng, vì trong Hà Đồ chỉ nói tới 4 hướng, trong khi Tiên thiên Bát quái có 8 quẻ tức 8 hướng, nên thời gian phát minh ra 2 đồ hình này có lẻ phải qua 1 giai đoạn khá lâu ).

Theo 8 quẻ Tiên thiên thì CÀN là Trời đứng ở trên, KHÔN là đất đứng ở dưới. TỐN là gió, ĐOÀI là mưa nên ở trên cao. CẤN là núi, CHẤN là sấm chớp nên nằm dưới thấp. Mặt trời mọc ở phía ĐÔNG nên là phương vị của LY – Hỏa. Sông nước thường từ phía TÂY chảy đến nên KHẢM – Thủy nằm ở đó.

3) LẠC THƯ:

Vào thời nhân loại bị Đại hồng thủy (khoảng hơn 6,000 năm trước đây), vua Vũ khi đi trị thủy trên sông Lạc thì gặp rùa thần nổi lên, trên lưng có đồ hình phương vị của Cửu tinh (tức 9 sao, hay 9 số). Vua Vũ cho sao chép lại và gọi đó là Lạc thư. 


Khẩu quyết của Lạc thư là:

“Đới Cửu, lý Nhất; tả Tam, hữu Thất; Nhị – Tứ vi kiên; Lục – Bát vi túc; Ngũ cư trung vị”.

Có nghĩa là:

“Trên đội 9, dưới đạp 1; bên trái 3, bên phải 7; 2 vai là 2 và 4; 2 chân là 6 và 8; còn 5 nằm chính giữa”.

Vì vậy, phương vị của Cửu tinh (tức 9 số) trong Lạc Thư như hình 3:

Vì mỗi số được phân chia ra đóng ở 1 cung, nên Phương vị của chúng như sau:

* Số 9: nằm ở trên tức hướng NAM, hành HỎA

* Số 1: nằm ở dưới nên thuộc hướng BẮC, hành THỦY

* Số 3: nằm bên trái thuộc phương ĐÔNG, hành MỘC

* Số 7: nằm bên phải thuộc phương TÂY, hành KIM

* Số 2: là “vai” bên phải, nên nằm tại phía TÂY NAM. hành THỔ

* Số 4: là “vai” bên trái, nên nằm tại phía ĐÔNG NAM, hành MỘC

* Số 6: là “chân” bên phải, nằm tại phía TÂY BẮC, hành KIM

* Số 8: là “chân” bên trái, nằm tại phía ĐÔNG BẮC, hành THỔ

* Số 5: nằm ở chính giữa (tức trung cung), hành THỔ

Với việc phát minh và xử dụng 8 hướng trên la bàn, vua Vũ đã có thể tách rời các cặp số và phân bố chúng ra khắp 8 hướng, nhưng trên thực tế vẫn là quy tụ về những cặp số của Hà đồ (tức số Tiên Thiên). Trong Hà Đồ, 1 – 6 đứng chung với nhau ở phía BẮC. Còn trong Lạc Thư, 1 vẫn nằm ở phía BẮC, còn 6 nằm ở TÂY BẮC, nên tuy trên hình thức là tách rời, nhưng thật ra vẫn là kề vai sát cánh, đứng bên cạnh mà hỗ trợ, hậu thuẫn cho nhau. Tương tự như thế với những cặp 3 – 8, 4 – 9, 2 – 7 đều đứng cạnh bên nhau mà tạo thành thế “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Cho nên những cặp số Tiên thiên tuy tách rời, nhưng vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau trong Lạc Thư vậy.

4) HẬU THIÊN BÁT QUÁI:

Dựa vào Lạc thư, sau này vua Văn vương nhà Chu mới đổi lại phương vị của 8 quẻ trong Tiên thiên Bát quái theo với ý nghĩa và phương vị của 9 số trên Lạc Thư mà đặt ra Hậu thiên Bát quái như hình 4:

Lúc này, phương vị và ngũ hành của 8 quẻ trong Hậu thiên Bát quái như sau:

- Quẻ LY: chung với số 9, phía NAM, hành Hỏa, là con gái thứ.

- Quẻ KHÔN: chung với số 2, phía TÂY NAM, hành Thổ, là vợ hoặc mẹ.

- Quẻ ĐOÀI: chung với số 7, phía TÂY, hành Kim, là con gái út.

- Quẻ CÀN: chung với số 6, phía TÂY BẮC, hành Kim, là cha hoặc chồng.

- Quẻ KHẢM: chung với số 1, phía BẮC, hành Thủy, là con trai thứ.

- Quẻ CẤN: chung với số 8, phía ĐÔNG BẮC, hành Thổ, là con trai út.

- Quẻ CHẤN: chung với số 3, phía ĐÔNG, hành Mộc, là con trai trưởng.

- Quẻ TỐN: chung với số 4, phía ĐÔNG NAM, hành Mộc, là con gái trưởng.

Với sự ra đời của Hậu thiên Bát quái, tính chất, phương vị, ngũ hành của Cửu tinh và 8 quẻ đều đã được minh định, nên trở thành khởi điểm cho mọi nghành khoa học và học thuật phương Đông, trong đó có Phong thủy.


Trích nguồnSách "Phong thủy huyền không học" –  T/g: Bình Nguyên Quân, Tái bản năm 2018.

Chú ý: Đây là kiến thức nền tảng, ứng dụng rất nhiều trong phong thủy và các môn huyền học khác, nên các bạn cần nhớ và hiểu.

Tổng hợp 18 bài cơ bản HKPT tại đây: 

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------


2 nhận xét:

Bài viết nổi bật:

Tam Bảo: Tinh – Khí – Thần