Bài 03
NGUYÊN LÝ ÂM-DƯƠNG và NGŨ HÀNH
1/ NGUYÊN LÝ VỀ ÂM -DƯƠNG:
Từ lúc ban đầu, khi vũ trụ chưa thành hình thì chỉ là 1 khoảng trống không, đen tối. Đó là trạng thái nguyên thủy (hay Vô cực) của vũ trụ. Rồi từ trong đó mới hình thành 1 dạng vật chất, nhưng không thể cảm nhận được, và lưu chuyển theo 1 qũy đạo hình tròn mà tạo ra Thái Cực. Sau 1 thời gian dài, bên trong Thái Cực lại được tách làm 2: một phần gồm những phân tử đục và nặng, rơi xuống mà hợp lại thành đất; phần kia gồm những phân tử trong và nhẹ, nổi lên trên mà tạo thành trời. Phần đục và nặng là ÂM, phần trong và nhẹ là DƯƠNG. Từ đó, ÂM – DƯƠNG mới hình thành mà tạo ra vũ trụ. Vì DƯƠNG trong, nhẹ, có thể bay cao, chuyển động, nên là Trời, ánh sáng, khí nóng, đàn ông, sức mạnh, sự chuyển động và là sự sống. Còn ÂM đục, nặng, trầm tĩnh nên là Đất, bóng tối, hơi lạnh, đàn bà, sức yếu và là sự chết.
Do đó, từ Vô cực mà hình thành Thái cực, từ Thái cực mới phát sinh ra ÂM – DƯƠNG mà tạo thành vũ trụ, tức là chuyển biến từ trạng thái vô hình qua trạng thái hữu hình. ÂM và DƯƠNG tuy là 2 trạng thái đối nghịch nhau, nhưng cùng 1 nguồn gốc (Thái cực) và không thể tách rời. Nếu không có bóng tối thì sẽ không nhận thấy ánh sáng. Nếu không có sự sống thì sẽ không có sự chết. Nếu không có nóng thì làm sao có thể nhận biết được lạnh... Mặt khác, nếu chỉ có Đất mà không có Trời thì vũ trụ và sự sống làm sao có thể tồn tại? Chỉ có nóng mà không có lạnh thì vạn vật sẽ khô héo, tàn lụi. Chỉ có sự sống mà không có sự chết thì vạn vật làm sao có thể hóa sinh? Cho nên ÂM và DƯƠNG tuy là 2 trạng thái đối nghịch, nhưng không thể tách rời, mà luôn luôn gắn bó để hỗ trợ và bổ sung, hay cân bằng cho nhau. Có như vậy thì vũ trụ mới có thể tồn tại, cuộc sống mới hài hòa, yên vui. Nếu ÂM – DƯƠNG bị rơi vào tình trạng mất cân bằng, hoặc chỉ còn độc DƯƠNG hay độc ÂM thì cuộc sống sẽ có nhiều tai biến, hoặc vũ trụ bị hủy diệt.
2/ NGUYÊN LÝ VỀ NGŨ HÀNH:
Trong “Thái cực đồ thuyết”, Châu liêm Khê đã viết như sau:
“Từ Vô cực mà tạo ra Thái cực. Thái cực động thì sinh Dương; động tới cùng cực thì sẽ tĩnh; tĩnh thì sinh Âm. Tĩnh tới mức cùng thì sẽ động. Một động, một tĩnh, cùng làm căn bản cho nhau. Khi đã phân chia ra ÂM với DƯƠNG thì Lưỡng Nghi được thành lập. Đến lúc Dương biến, Âm hợp thì Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ phát sinh. Năm khí đó nếu được xếp đặt thuận hợp với nhau thì 4 mùa sẽ vận hành đều đặn.
“Cho nên Ngũ hành nếu hợp nhất thì thành ÂM- DƯƠNG. Nếu ÂM – DƯƠNG hợp nhất thì thành Thái cực. Thái cực lại có gốc từ Vô cực. Ngũ hành sinh hóa đều có tính chất duy nhất. Cái chân không của Vô cực, cái tính chất của ÂM – DƯƠNG và Ngũ hành đều được phối hợp 1 cách kỳ diệu và kết tụ lại với nhau. Rồi từ đó Đạo CÀN làm thành trai, Đạo KHÔN làm thành gái. Hai khí giao cảm mà sinh ra muôn vật. Muôn vật sinh rồi lại sinh, sinh thái biến hóa mãi mãi, vô cùng vậy”.
Như vậy, ÂM – DƯƠNG là nguyên thủy của vật chất hữu hình, và khi chúng phối hợp, tương tác, biến hóa với nhau thì Ngũ hành (tức vật chất) sẽ xuất hiện và thành hình. Ngũ hành tức là 5 hành KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ. Đối với các môn Khoa học và Huyền thuật Đông phương, Ngũ hành là 1 trong những nguyên lý căn bản và nền tảng cho mọi học thuyết. Thuyết Ngũ hành cho rằng mọi vật thể trong vũ trụ (kể cả con người) đều được cấu tạo bởi 5 hành đó, cũng như mọi sự phát triển, biến hóa của sự vật đều là do sự tương tác của Ngũ hành đối với nhau mà thôi. Do đó, việc nắm vững tính chất, cũng như mối quan hệ, tương tác giữa chúng là 1 điều quan trọng cho bất cứ ai muốn tìm hiểu sự vượng, suy, được, mất của mọi sự vật.
Dưới đây xin được trình bày sơ lược về đặc tính của Ngũ hành như sau:
- VỀ HÌNH DÁNG: Hình 5: Hình dạng của Ngũ hành
- VỀ MÀU SẮC: Hình 6: màu sắc của Ngũ hành
- VỀ ÂM THANH:
+ Kim: tiếng chiêng, thanh la, chuông.
+ Mộc: tiếng trống, não bạt.
+ Thủy: tiếng nước chảy, tiếng suối.
+ Hỏa: tiếng pháo, tiếng nổ, tiếng súng.
+ Thổ: tiếng gạch ngói, chum vò va nhau.
- VỀ CƠ THỂ:
+ Kim: đầu, họng, lưỡi, phổi.
+ Mộc: lông, tóc, tay chân, gan, mật.
+ Thủy: máu, mồ hôi, nước mắt, tai, thận.
+ Hỏa: mắt, tim.
+ Thổ: dạ dày, lá lách, lưng, bụng.
- VỀ MÙI VỊ:
+ Kim: cay
+ Mộc: chua
+ Thủy: mặn
+ Hỏa: đắng
+ Thổ: ngọt
- VỀ QUẺ DỊCH:
+ Kim: 2 quẻ CÀN, ĐOÀI.
+ Mộc: 2 quẻ CHẤN, TỐN.
+ Thủy: quẻ KHẢM.
+ Hỏa: quẻ LY.
+ Thổ: 2 quẻ KHÔN, CẤN.
- VỀ THIÊN CAN:
+ Kim: Canh, Tân.
+ Mộc: Giáp, Ất.
+ Thủy: Nhâm, Quý.
+ Hỏa: Bính, Đinh.
+ Thổ: Mậu, Kỷ.
- VỀ ĐỊA CHI:
+ Kim: Thân, Dậu.
+ Mộc: Dần, Mão.
+ Thủy: Hợi, Tý.
+ Hỏa: Tỵ, Ngọ.
+ Thổ: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- VỀ PHƯƠNG HƯỚNG:
+ Kim: TÂY và TÂY BẮC.
+ Mộc: ĐÔNG và ĐÔNG NAM.
+ Thủy: BẮC.
+ Hỏa: NAM.
+ Thổ: ĐÔNG BẮC và TÂY NAM.
Tất cả những tính chất ở trên đều là căn bản về Ngũ hành, mà người học cần phải biết và thuộc lòng. Có nhiều tính chất tuy có vẻ rất “mơ hồ”, nhưng nếu biết sẽ có nhiều lợi ích. Chẳng hạn như nói vị ngọt thuộc Thổ, cho nên những người thích ăn đồ ngọt nhiều quá thì hoặc là trong người Hỏa khí mạnh quá (như trẻ em, Đông y cho rằng trong người chúng thuần dương Hỏa, vì Hỏa chủ về sự sinh trưởng, phát triển, nhưng cũng vì vậy nên trẻ em hay bị những bệnh về nhiệt như sốt nóng, sởi, phát ban, động kinh…), nên cần đồ ngọt (Thổ) mà hạ bớt Hỏa (vì Hỏa sinh Thổ). Hoặc là trong người thiếu Thổ nên mới thèm đồ ngọt. Cho nên đó là những triệu chứng báo hiệu trong người có bệnh ngay từ đầu, nếu lo chữa trị sớm thì sẽ không bị những bệnh tật nghiêm trọng sau này. Hoặc như nói tiếng chuông thuộc Kim, vì vậy khi nhà cửa bị những sao mang bệnh tật tới thì người ta mới hay treo chuông gió (windchime), làm toàn bằng kim loại để hóa giải. Lý do vì những sao chủ về bệnh tật thường có hành Thổ, nên việc treo chuông gió là dùng âm thanh bằng kim loại để làm suy yếu Thổ tinh cho bớt bệnh tật (vì Thổ phải sinh Kim, theo nguyên lý ngũ hành sinh, khắc… sẽ được nói tới trong đề mục kế tiếp).
Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học" – T/g: Bình Nguyên Quân – Tái bản năm 2018.
Chú ý: Đây là kiến thức nền tảng, ứng dụng rất nhiều trong phong thủy và các môn huyền học khác, nên các bạn cần nhớ và hiểu.
Tổng hợp 18 bài cơ bản HKPT tại đây:
- Bài 01: KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HUYỀN KHÔNG
- Bài 02: NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN
- Bài 03: NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG VÀ NGŨ HÀNH
- Bài 04: SỰ TƯƠNG QUAN NGŨ HÀNH
- Bài 05: VÒNG LƯỢNG THIÊN XÍCH
- Bài 06: THẾ QUÁI
- Bài 07: SINH – VƯỢNG – SUY – TỬ KHÍ TRONG HUYỀN KHÔNG
- Bài 08: VƯỢNG SƠN – VƯỢNG HƯỚNG
- Bài 09: ĐẶC TÍNH CỦA CỬU TINH TRONG HUYỀN KHÔNG
- Bài 10: TAM NGUYÊN, CỬU VẬN TRONG HUYỀN KHÔNG HỌC
- Bài 11: 24 SƠN (HƯỚNG) & TAM NGUYÊN LONG
- Bài 12: PHƯƠNG PHÁP LẬP TINH BÀN
- Bài 13: CHÍNH SƠN, CHÍNH HƯỚNG
- Bài 14: THU SƠN – XUẤT SÁT
- Bài 15: PHẢN NGÂM – PHỤC NGÂM
- Bài 16: THƯỢNG SƠN – HẠ THỦY
- Bài 17: LINH THẦN & CHÍNH THẦN
- Bài 18: KIÊM HƯỚNG
Trân trọng!
P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.
--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
+ Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
+ CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
+ Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét