Tìm kiếm Blog này

16 tháng 7 2023

Hiểu và Dụng PHONG THỦY LUÂN trong bố cục dương trạch

Hiểu và Dụng PHONG THỦY LUÂN 

trong bố cục dương trạch

 

Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta bắt gặp hình ảnh  phong thủy luân được bố cục, đặt để đâu đó trong phòng, trong nhà, ngoài sân tại nhà ở, quán cà phê, khu vui chơi, khu văn phòng…nhưng chúng ta chỉ hiểu sơ sài về giá trị phong thủy và thường cho rằng chúng chỉ có giá trị về mặt trang trí thẩm mỹ cho không gian đó mà thôi.

Mỗi bố cục phong thủy luân, dưới kinh nghiệm của một phong thủy sư hoặc người nghiên cứu hiểu rõ về tính chất phong thủy, thường sẽ cho ta các kết quả hiệu nghiệm đầy ngạc nhiên (điều này ta có thể ghi nhận bằng nghiệm chứng ghi chú: từ lúc chưa bố cục cho đến 3 tháng sau khi vận hành phong thủy luân và cả những thời thời gian về sau trong cùng 1 vận, sẽ có sự khác nhau rõ ràng từ không thuận lợi đến thuận lợi một cách bất ngờ trong cuộc sống) , đôi khi chúng ta biết chính nó là tác nhân nhưng hiện tại lại khó chứng minh bằng khoa học được.

Vậy phong thủy luân là gì, vận hành ra sao, bố cục như thế nào….mà chỉ cần bố cục phù hợp tưởng chỉ có tác dụng đơn giản là trang trí mà lại hiệu quả trong công việc, kinh doanh, môi trường sống tốt đến như vậy.



1-    Phong thủy là gì?

Trước tiên chúng ta nên hiểu tổng quát về từ : “PHONG THỦY” là gì? Ở đây, tôi không định nghĩa theo sách vở, hoặc theo lối mòn của ai đó, mà định nghĩa theo sự hiểu biết nhất định của tôi về phong thủy.

Phong thủy là từ dùng rất nhiều trong các sách vở, với tôi: “PHONG THỦY” chính là quá trình vận động, tương tác theo các nguyên lý(1) của 1 đối tượng xét với các đối tượng xung quanh(2) , ở 1 môi trường cụ thể(3), trong 1 khoảng thời gian(4) nhất định , sinh ra các kết quả CÁT/HUNG.

 (1): Nguyên lý :chính là nền tảng gốc của quy luật vận động tự nhiên được diễn giải ẩn dụ qua 4 đồ hình quan trọng: Hà Đồ, Lạc Thư, Tiên Thiên, Hậu Thiên và 2 tính chất: Âm/Dương và Ngũ Hành. Các Trường phái trong phong thủy khi tạo ra các Bài Quyết, các Pháp ứng dụng đều không thể ra ngoài nguyên lý này.

(2): Đối tượng xét: trong dương trạch thường nói tới nhân tố con người (khí nhân) sẽ nhận khí tương tác 2 khí còn lại là:  Khí Thiên và Khí Địa . Khi đủ cả 3 khí đặt ở 1 không gian, thời gian cụ thể thì mới sinh kết quả CÁT/HUNG.

       Đối tượng xung quanh: là địa hình xung quanh ( trong chuyên môn gọi là loan đầu), các vật nhân tạo bố cục trong và ngoài nhà, phải có năng lượng, đó chính là: sông, núi, công trình, giao thông, cây xanh, hồ bơi, hòn non bộ, Cổng/ cửa, Bếp, phòng wc, tiểu cảnh ….

(3) Môi trường cụ thể: vùng núi, vùng trung du, vùng đồng bằng, nông thôn, thành thị, nhà vườn, dinh thự, biệt thự, nhà phố, văn phòng, trường học, khách sạn…tính chất cụ thể của mỗi vùng sẽ tạo đặc tính “HÌNH” khác nhau, “HƯỚNG” khác nhau, “KHÍ” khác nhau….do đó phong thủy rât đa dạng, có thể 2 nhà gần sát nhau nhưng phong thủy Cát/Hung cũng có thể khác nhau là vậy.

(4) Thời gian cụ thể: đó chính là thời điểm  bắt đầu 1 Vận ( theo mỗi trường phái, thời điểm qui định sẽ khác nhau), đó cũng có thể là Niên/Nguyệt/Nhật( hay còn gọi là tứ trụ)…đây là yếu tố khi thay đổi, tính chất đương quyền, cát hung cũng thay đổi mà ít ai chú ý. Nó không thể cố định Hung/Cát mãi mãi, bất biến, mà phải có sự biến đổi theo thời gian, đó mới chính là tự nhiên.

Qua khái niệm về “PHONG THỦY”, chúng ta cần nắm vững 4 yếu tố trên, tìm hiểu các pháp, các bài quyết phù hợp 4 yếu tố đó, nhằm có giải pháp bố cục phù hợp: “NÂNG VƯỢNG HÓA SUY” hoặc "THU SƠN XUẤT SÁT", trong đó phong thủy luân là 1 công cụ thông dụng, một vật tương tác hiệu quả, có tính chất “THỦY” đại diện cho tài lộc.

2-    Phong thủy luân là gì?

Theo nghĩa đen, đánh giá bằng cảm nhận: thì đó là 1 vật giúp nước chảy liên tục không ngừng nghĩ, mang ý nghĩa luân hồi, trọn vẹn, vững bền. Về mặt kiến trúc là một vật trang trí vui mắt, tạo môi trường mát mẻ.

            Quách Phác (276 - 324 sau Công Nguyên) , thầy phong thuỷ đầu tiên có định nghĩa rõ ràng về Khí như sau:"Khí gặp gió thì tán, gặp thủy thì tụ, sơn chủ nhân đinh, thủy quản tài lộc" . Vậy làm thế nào để " Tàn phong tụ thủy" ngoài việc thuận hoặc bố cục phù hợp loan đầu ?

Trong Phong thủy, phong thủy luân khi bố cục cụ thể sẽ là vật thu, kích hoạt lưu chuyển vùng khí chuyển động có tính chất “THỦY”( khí này là khí phong thủy, không phải không khí thông thường theo nghĩa khoa học). Khí “Thủy” trong phong thủy Huyền Không là đại diện cho tài lộc, công việc kinh doanh, các mối quan hệ trao đổi- mua bán, sự giúp đỡ về tài chính (hay còn gọi là quý nhân giúp đỡ)…Khí “ thủy” khi vượng mà được kích hoạt sẽ tạo môi trường sống ổn định và phát triển về mặt tài chính ( trong chuyên môn phong thủy gọi là kích tài, chiêu tài)

Phong thủy luân nếu đặt đúng vùng khí vượng sẽ kích vượng, đặt vùng khí hung sẽ kích khí hung ( thất thoát tài chính nghiêm trọng). Điều này trong các sách phong thủy chính tông luôn nhắc: vùng khí vượng cần phải tác động, vùng khí suy cần phải yên tĩnh. Do đó, chúng ta phải có sự hiểu biết nhất định về phong thủy, phải xác định được vùng khí vượng hay suy, để từ đó bố cục cho phù hợp phong thủy luân  hoặc các vật khí khác tương tự


3-    Cấu tạo, phân loại phong thủy luân

Phong thủy luân (tên gọi khác: thác nước mini), có bộ khung được tạo ra từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân với nhiều vật liệu, mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc bắt mắt mang tính nghệ thuật cao, đôi khi có một ít tâm linh.

Trong phong thủy luân, thông thường, sẽ được gắn ngầm bên trong một hệ thống vận chuyển nước đối lưu tuần hoàn, với cấu tạo bao gồm: miệng phun/ tràn ( hoặc đầu phun tia),  các ống dẫn ( cứng hoặc mềm) và máy bơm mini ( có miệng hút và miệng đẩy) được tính toán áp lực nước phù hợp.

VD: về 1 phong thủy luân các bạn có thể tự làm



Chính cấu tạo hệ thống tuần hoàn này, cùng tính chất “thủy” của nước có ý nghĩa quan trọng trong việc thu phát khí, được các chuyên gia phong thủy đánh giá cao và thường ứng dụng trong bố cục phong thủy.

Phong thủy luân thường được phân loại theo tính chất sau:

+ Theo vị trí, kích thước không gian cần ứng dụng

-         Trong phòng: Phong thủy luân mini, thác nước mini ( thường đặt trên tủ/ kệ thấp, bàn làm việc, quầy, bàn tiếp khách…)

-         Trong nhà: phong thủy luân trang trí , hòn non bộ mini, hồ cá, tiểu cảnh mini , hồ thủy sinh (linh động, có thể di dời được trên nền gạch)

-         Ngoài sân: hồ cảnh, tiểu cảnh non bộ, hồ cá Kòi ( cố định, dùng làm tiểu cảnh trang trí sân vườn)

+ Theo vật liệu: thác nước phong thủy được cấu tạo từ nhiều vật liệu như: xi măng, gốm, kính cường lực, composite, polyresin ( bột đá + sợi thủy tinh ), đá, đồng….theo nhu cầu thẩm mỹ và giá trị sản phẩm đáp ứng thị hiếu người mua, sử dụng.

4-    Cách bố cục trong phong thủy và kết hợp trang trí trong kiến trúc

Phong thủy luân là vật phẩm trang trí dựa theo các qui luật của phong thủy, tạo thành vòng luân hồi hài hòa, mang tính liên tục trọn vẹn cho cuộc sống. Đặc trưng của cấu tạo của thác nước phong thủy đó là nước chảy liên tục nhằm phát huy tính chất thủy, có khả năng thu khí thủy, lưu chuyển khí và liên kết khí các vùng còn lại trong một vùng nhất định. Và khi đạt đủ điều kiện sẽ làm vượng khí phát, tài lộc phát

Chính vì để đạt đủ điều kiện, Vị trí đặt thác nước phong thủy cần được chú ý, xác định chính xác trên sơ đồ phân bố khí được lập theo hướng và vận. Việc đặt vị trí, hướng nào, sơn nào và xét thêm xung khắc, kiêng kỵ là quá trình rất quan trọng, nó giúp phong thủy luân phát huy đúng tác dụng và đạt được kết quả tốt nhất.

Vì là tính chất “Thủy” nên phong thủy luân được xem như dạng thủy khẩu với quy mô nhỏ, thường phù hợp với các phương nguyên bàng: Khảm, Chấn, Tốn, Đoài, Càn. Bên cạnh đó tùy theo từng trường phái xác định khí vượng ta xét  thêm điều kiện thu khí và phát khí để đạt khí vượng toàn cục như:

+ Với Bát Trạch:  Sinh khí / Diên niên /Thiên y / Phục vị.

+ Với huyền không:  Khí Vượng/ sinh/ tiến khí, thành môn, Thư/Hùng

+ Với Liên Thành: Ai tinh thủy hợp cục hà đồ, 5,10,15

+ Tứ đại Thủy pháp: Tam hợp thủy pháp (thủy pháp trường sinh); Tiên thiên thủy pháp ( long môn bát cục); Phụ tinh thủy pháp, Tự nhiên thủy pháp (Dương công thủy pháp)…

+ Ngũ Quỷ Vận Tài: theo Tam Nguyên, Theo Tam hợp


Một ví dụ bố trí phong thủy luân căn cứ pháp NGŨ QUỶ VẬN TÀI theo Tam Nguyên


Khi vận dụng bố cục phong thủy luân vào thực tế, tùy vị trí, tùy nhu cầu và tùy khả năng kinh tế, ta chọn phong thủy luân với kích thước phù hợp , kết hợp với trang trí đạt tính thẩm mỹ đáp ứng nhu cầu chủ nhà, như

+ Trong phòng :



 

+ Dưới gầm thang/ giếng trời




+ Phòng Khách




+ Ban công/ Lô gia



+ Ngoài sân




5-    Chú ý khi bố cục phong thủy luân

Việc bố cục chú ý:

-         Không phạm Bát Sát, Hoàng tuyền

-         Khi phối khí cần cân bằng âm dương, cân bằng ngũ hành

-         Chú ý khi có niên sát

-         Chú ý khi chuyển vận.

* Như vậy: với những nội dung chia sẽ về phong thủy luân bên trên, tôi mong rằng bạn có thể hiểu về giá trị, tính đúng đắn của phong thủy luân khi được chọn ứng dụng trong nhà ở, các công trình công cộng …chúng cần bố cục đúng vị trí, hướng để đặt phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất , cũng như cần cẩn thận vì có vài ảnh hưởng từ nhẹ đến nặng về tài lộc/ công việc…nếu đặt sai. Chúc bạn thành công trong việc, nhiều tài lộc, sức khỏe trong cuộc sống!

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

Bài viết nổi bật:

PHONG THỦY NĂM GIÁP THÌN (2024)