Tìm kiếm Blog này

10 tháng 1 2023

HKPT_Bài 13: CHÍNH SƠN, CHÍNH HƯỚNG

 

BÀI 13

CHÍNH SƠN, CHÍNH HƯỚNG

 

 Phần 1: Vấn đề thuần khí:

Tuy rằng nhà được cuộc “Vượng sơn, vượng hướng”, tránh được những cách “Thượng sơn, hạ thủy”, “Phản ngâm, Phục ngâm”... thì nhân đinh và tài lộc sẽ phát, nhưng nếu không được thuần khí thì hoặc là cục diện khó lâu dài, hoặc là vẫn có tai họa xảy ra. Chẳng những thế, nếu nhà không được thuần khí, mà nhận phải tạp khí thì con người khó cao sang, hoặc đôi khi nhờ đắc vượng khí mà giàu có, nắm quyền hành, thế lực, nhưng tư cách vẫn thấp hèn, hạ tiện, bị thiên hạ khinh ghét, mắc nhiều tai tiếng, thị phi... Cho nên, thuần khí là 1 vấn đề quan trọng, và cần được cứu xét cẩn thận khi tiến hành khảo sát, hoặc thiết kế nhà cửa hay phần mộ theo Phong thủy.

 ( Chú thích“Vượng sơn, vượng hướng”, “Thượng sơn, hạ thủy”, “Phản ngâm, Phục ngâm”.... là các cách cục, đặc điểm sơ đồ khí của nhà theo hướng /tọa xác định theo vận tại thời điểm động thổ và nhập trạch )

Hình 1: 24 Sơn (Hướng) và tọa độ của chúng trên la bàn

Muốn biết nhà có được thuần khí hay không thì trước hết phải xét tới tọa – hướng của nó. Một căn nhà được xem là Thuần khí khi tuyến vị tọa – hướng của nó hoặc là nằm chính giữa 1 sơn, hoặc lệch sang bên phải hay bên trái tuyến vị đó (còn gọi là Kiêm hướng), nhưng không quá 3 độ. Nếu lệch quá 3 độ thì sẽ bắt đầu lấy khí của sơn bị kiêm nhiều quá, khiến cho khí của tọa – hướng không còn thuần khiết nữa, mà đã bị pha tạp, nên mức độ tốt đẹp sẽ giảm thiểu, hoặc sẽ gặp hung họa lớn, nếu như chẳng may nhà lại không đắc được vượng khí tới hướng hay cửa, nhất là chủ về chết người, tổn đinh hay bị tuyệt tự, tài lộc suy thoái, phá sản...


Hình 1a: hướng Mão là 90 độ ± 3 độ là vùng chính hướng (chính sơn) trên la bàn

 -         Thí dụ 1: căn nhà có hướng 180 độ. Vì đây là tuyến vị chính giữa của sơn NGỌ (bao gồm từ 172 độ 6 đến 187 độ 5), nên nhà này được xem là Thuần khí.

 -         Thí dụ 2: căn nhà hướng 183 độ. Tuy tuyến vị này không nằm chính giữa sơn NGỌ, nhưng vì nó chỉ lệch (hoặc kiêm) có 3 độ (so với tuyến chính giữa), nên nhà này vẫn được xem là Thuần khí.

 -         Thí dụ 3: nhà có hướng 174 độ. Vì tuyến vị này lệch (kiêm) tới 6 độ so với tuyến chính giữa của sơn NGỌ, nên nhà này không được coi là thuần khí nữa, mà đã bị khí của sơn BÍNH pha tạp.

 Ngoài vấn đề tuyến vị của tọa – hướng không được kiêm nhiều, còn phải để ý đến vị trí cổng, cửa và ngõ vào nhà. Điểm quan trọng ở đây là tọa – hướng nhà, cũng như vị trí cổng, cửa, ngõ vào nhà cần phải cùng 1 Nguyên long với nhau mới bảo đảm được vấn đề Thuần khí.

 Nói đồng Nguyên long là dựa vào Tam nguyên Long như sau:

 - THIÊN NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn:

      * 4 sơn dương: CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN.

      * 4 sơn âm: TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU.

 - ĐỊA NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn:

      * 4 sơn dương: GIÁP, CANH, NHÂM, BÍNH.

      * 4 sơn âm: THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI.

 - NHÂN NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn:

      * 4 sơn dương: DẦN, THÂN, TỴ, HỢI.

      * 4 sơn âm: ẤT, TÂN, ĐINH, QUÝ.

 Trong 3 Nguyên long này thì Thiên nguyên long là Phụ mẫu; Địa nguyên long là Nghịch tử; Nhân nguyên long là Thuận tử. Mức độ mạnh, yếu của 3 nguyên long cũng khác nhau. Thiên nguyên long vì là Phụ mẫu, nằm chính giữa mỗi hướng, nên lực của nó mạnh nhất. Địa nguyên long vì là Nghịch tử,đứng độc lập 1 mình, nên lực của nó cũng khá mạnh, chỉ thua Thiên nguyên long mà thôi. Còn Nhân nguyên long vì là Thuận tử, cần phải dựa vào Phụ mẫu, nên lực của nó yếu nhất. Chính vì vậy nên trong việc xử dụng tọa – hướng cũng cần phải để ý đến vấn đề đó, hầu phát huy thêm hiệu lực của phi tinh.

Do đó:

a/ Nếu tọa – hướng nhà thuộc Thiên Nguyên Long:

Thì cổng, cửa và ngõ vào nhà phải nằm trong những khu vực thuộc Thiên Nguyên.

-         Thí dụ: nhà hướng 180 độ (tức tọa TÝ hướng NGỌ). Vì TÝ – NGỌ đều thuộc Thiên Nguyên Long, nên khi làm cổng, cửa cần phải đưa về những khu vực thuộc Thiên nguyên Long. Nếu nhà gần ngã ba, ngã tư, hay có những lối rẽ vào nhà thì những chỗ đó cũng cần nằm tại các khu vực thuộc Thiên nguyên Long (nếu tính từ tâm nhà).

 

Hình 2: nhà tọa TÝ hướng NGỌ

Hình 2: nhà tọa TÝ hướng NGỌ, thuộc Thiên nguyên long, có ngã tư gần nhà thuộc cung KHÔN (tính từ tâm nhà), lối vào nhà thuộc cung TỐN, cửa trước thuộc cung NGỌ, cửa sau thuộc cung CÀN (hay KIỀN)). Tức là mọi vị trí cửa, ngõ, lối đi... đều cùng Thiên Nguyên long với tọa – hướng.

Nếu tọa – hướng nhà thuộc Thiên nguyên long, nhưng lại có cổng, cửa, lối vào nhà nằm tại những phương thuộc Nhân nguyên long thì cũng có thể xử dụng được. Đây chính là trường hợp “Phụ mẫu có thể kiêm dùng Thuận tử”. Còn đối với những cổng, cửa, ngõ vào nhà thuộc Địa nguyên long thì không thể dùng được.

-         Thí dụ: cũng với nhà tọa TÝ hướng NGỌ ở trên thì cũng có thể dùng được cổng, cửa,ngõ vào nhà tại những khu vực thuộc Nhân nguyên long như QUÝ, ĐINH, TÂN, ẤT… chứ không thể dùng được cổng, cửa, ngõ vào nhà tại những khu vực thuộc Địa nguyên long như NHÂM, BÍNH, GIÁP, CANH…

 b/ Nếu tọa – hướng nhà thuộc Nhân Nguyên long:

Thì cổng, cửa, ngõ vào nhà cũng phải nằm trong những khu vực thuộc Nhân Nguyên, chứ cũng không thể kiêm dùng cổng, cửa, ngõ vào nhà nằm tại những khu vực thuộc Thiên nguyên long. Đây chính là trường hợp “Thuận tử không thể kiêm dùng Phụ mẫu”, chỉ có Phụ mẫu mới kiêm dùng được Thuận tử mà thôi. Lại càng không thể xử dụng, cổng, cửa, ngõ vào nhà tại những khu vực thuộc Địa nguyên long, vì như thế là bị “Xuất quái”.

c/ Nếu tọa – hướng nhà thuộc Địa Nguyên long:

Thì cổng, cửa cũng phải nằm trong khu vực của Địa Nguyên. Có như vậy mới bảo đảm được sự thuần khí. Nếu còn đắc thêm vượng khí sẽ phát lớn, phúc lộc lâu dài, bản chất con người cũng thanh cao, ngay thẳng, trong sạch, tức là chỉ có những nhà như thế mới có thể bảo đảm từ vật chất đến tư cách và thanh danh cho người sống trong đó. Đây chính là phương pháp “ đồng nguyên nhất khí”, tức là tọa – hướng và cổng, cửa, ngõ vào nhà, thủy đến, thủy đi đều cùng 1 Nguyên long để tạo thành 1 khí duy nhất. Có như vậy thì con người mới thanh quý, phúc lộc mới có và trường cửu, lâu dài. Đây chính là ý nghĩa của câu “Thiên cơ an ở trong, gia đình ngày 1 phú quý” (Thiên cơ nhược nhiên an tại nội, gia hoạt đương phú quý) mà “Thiên ngọc Kinh” đã viết. Còn chẳng may tọa – hướng nhà khác Nguyên Long với cổng, cửa hay ngõ vào nhà thì dù tài lộc có khá (trong trường hợp cửa đắc vượng khí), nhưng con người cũng tầm thường, dễ phát sinh những bản tính xấu như tham lam, bủn xỉn, hay bị tai tiếng, thị phi, phạm pháp... Những nhà này vận khí cũng thường ngắn ngủi, một khi vượng khí đã biến thành thoái khí thì tài lộc khó khăn, tai họa liên tiếp kéo tới. Con người vì vậy cũng nghèo hèn, hay bần tiện, hung ác... Đây chính là ý nghĩa của câu “Thiên cơ an ở ngoài, gia đình ngày 1 suy bại” (Thiên cơ nhược nhiên an tại ngoại, gia hoạt tiềm thoái bại) mà “Thiên ngọc Kinh” đã viết.

Một điểm quan trọng khác là tuy tọa – hướng và cổng, cửa của 1 căn nhà phải cùng 1 Nguyên Long với nhau, nhưng cần trái ngược âm – dương mới làm cho vận khí được lâu dài. Đây chính là trường hợp “Âm khẩu phối hợp với Dương hướng, Dương khẩu phối hợp với Âm hướng (Âm dụng dương triều, dương dụng âm ứng). Âm – Dương cùng phối hợp, phúc lộc mãi theo cùng (Âm dương tương kiến, phúc lộc vĩnh trinh. Ở đây, Phúc – Lộc vĩnh trinh: tức phúc – lộc trường cửu, lâu dài)” như “Thanh nang kinh” đã viết.

-         Thí dụ 1: nhà hướng 180 độ (tức tọa TÝ hướng NGỌ). Vì tọa – hướng của căn nhà thuộc Thiên nguyên Long, nên cổng, cửa hoặc ngõ vào nhà cũng nên nằm tại những sơn thuộc Thiên nguyên Long như TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU hay CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN. Nhưng vì TÝ – NGỌ thuộc Âm, nên nếu cổng, cửa nằm tại các sơn Dương như CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN thì đó là cách phối hợp Âm hướng với Dương khẩu, phúc lộc sẽ tốt đẹp và lâu dài hơn nếu cổng, cửa nằm tại các sơn Âm như TÝ, NGỌ MÃO, DẬU (vì Âm hướng phối với Âm khẩu thì Âm khí quá thịnh, phúc khí không thể phát mạnh được).

-         Thí dụ 2: nhà hướng 60 độ (tức tọa THÂN hướng DẦN). Vì tọa – hướng thuộc Nhân nguyên Long, nên cổng, cửa hay ngõ vào nhà cũng nên nằm trong những khu vực thuộc Nhân nguyên như DẦN, THÂN, TỴ, HỢI hay ẤT, TÂN, ĐINH, QUÝ. Nhưng nếu cổng, cửa nằn trong những sơn Âm như ẤT, TÂN, ĐINH, QUÝ để tạo được cuộc Dương hướng phối với Âm khẩu thì sẽ phát phúc lộc lớn. Còn nếu nằm tại những khu vực thuộc Dương sơn như DẦN, THÂN, TỴ, HỢI thì phúc lộc sẽ ngắn ngủi (vì Dương hướng phối với Dương khẩu tuy phát phúc nhưng mau tàn).

-         Thí dụ 3: nhà hướng 102 độ (tức tọa TÂN hướng ẤT kiêm DẬU – MÃO 3 độ). Nhà này tuy kiêm, nhưng vì chính tọa, chính hướng vẫn là TÂN – ẤT, thuộc Âm hướng trong Nhân nguyên Long, cho nên cổng, cửa hay ngõ vào nhà nên nằm trong những sơn Dương như DẦN, THÂN, TỴ, HỢI của Nhân nguyên, vừa để đồng Nguyên Long, vừa để tạo cuộc Âm hướng phối hợp với Dương khẩu. Cho nên, tinh hoa của vấn đề thuần khí là sự phối hợp giữa tọa – hướng với những khu vực có cổng, cửa vào nhà, sao cho chúng vừa đồng Nguyên long, vừa hài hòa Âm – Dương với nhau. Nếu bất đắc dĩ không thể đạt được cuộc âm – dương tương phối giữa hướng và khẩu (cửa, ngõ) thì ít nhất cũng cần đạt được sự đồng Nguyên giữa khẩu và hướng, cộng với vượng khí chiếu tới cửa cũng có thể hưng thịnh 1 thời.

-         Thí dụ: nhà tọa MÃO hướng DẬU, nhập trạch trong vận 8.

 

Hình 3: nhà tọa MÃO hướng DẬU

Hình 3: nhà tọa MÃO hướng DẬU, các cửa trước, sau cũng ở 2 cung MÃO, DẬU Vì tọa – hướng nhà là MÃO – DẬU thuộc Thiên nguyên Long, 2 cửa trước – sau cũng nằm trong 2 cung DẬU – MÃO, tuy không được cách Âm – Dương tương phối, nhưng cũng vẫn được đồng Nguyên long giữa hướng và khẩu. Lại thêm của trước đắc vượng khí (tinh bàn bên dưới), nên công việc làm ăn khá, tài lộc sung túc.

Hình 4: trạch vận nhà tọa MÃO hướng DẬU, vận 8

Nếu nhà này có những cửa tại các khu vực BÍNH hoặc SỬU (hình 3) thì giữa hướng và cửa sẽ không đồng Nguyên long với nhau, nên sẽ phát sinh nhiều tai họa. Nhất là nếu cửa lại không đắc được vượng khí chiếu tới.

Trường hợp nếu cổng, cửa nằm tại những khu vực đồng Nguyên với tọa – hướng, nhưng không đắc vượng khí, cho nên phải mở ở những khu vực thuộc Nguyên Long khác. Những nhà như thế là đã nhận phải tạp khí, nên dù cửa có đắc vượng khí cũng chỉ có thể phát về tài lộc mà thôi. Nhưng khí chất và phong cách của những người sống trong những nhà như thế cũng tầm thường, chứ không được thanh cao như những nhà có tọa – hướng và cổng, cửa đồng Nguyên long.

-         Thí dụ: nhà hướng 165 độ (tức tọa NHÂM hướng BÍNH), nhập trạch trong vận 8. Tinh bàn của căn nhà như hình dưới.

Hình 5: trạch vận nhà tọa NHÂM hướng BÍNH, vận 8

Nhìn vào tinh bàn, ta thấy khu vực phía NAM có Hướng tinh Thất Xích, trong vận 8 là suy khí. Vì vậy, nếu nhà này làm cửa tại phương BÍNH thì sẽ nhận phải suy khí. Nhưng nếu dịch cửa sang phương NGỌ hoặc ĐINH, thì cửa sẽ nhận được vượng khí.

Hình 6: nhà tọa NHÂM hướng BÍNH, mở cửa tại cung NGỌ

Sở dĩ như thế là vì khi cửa mở tại sơn nào thì vẫn dùng Vận tinh tới khu vực đó nhập trung cung, nhưng xoay chuyển thuận – nghịch tùy theo sơn đó trùng với sơn nào của Vận tinh. Đây chính là bí quyết để xác định khí đến cửa là vượng khí hay suy, tử khí.

Trở về với thí dụ trên, nhà tọa NHÂM hướng BÍNH trong vận 8, có vận tinh số 3 tới phía trước. Vì nhà hướng BÍNH, trùng với sơn GIÁP của số 3, là sơn DƯƠNG, nên lấy 3 nhập trung cung xoay thuận thì 7 đến hướng. Vì vậy, hướng nhà này (cũng như cửa tại phương BÍNH) có sao Thất Xích là suy khí chiếu tới (hình dưới).

 

Hình 7: nhà hướng NHÂM trong vận 8 bị suy khí tới hướng

Nhưng vì cửa mở tại phương NGỌ, trùng với sơn MÃO của số 3, là sơn ÂM, nên lấy 3 nhập trung cung xoay nghịch thì 8 tới cửa. Cho nên nhà này tuy ở hướng bị suy khí, nhưng cửa vẫn đắc vượng khí, vì vậy về tài lộc cũng vẫn tốt trong vận 8. Nhưng vì cửa nằm tại sơn NGỌ, không đồng Nguyên long với hướng BÍNH, cho nên chỉ tốt về tài lộc mà thôi, chứ người trong nhà không thể phát quý. Nếu có phát quý cũng sẽ bị tai họa, thanh danh nhơ nhuốc. Một khi hết vận, cửa không nhận được vượng khí nữa thì tai họa càng nặng. Vì vậy, phương pháp dùng cửa không đồng Nguyên long với tọa – hướng để đón vượng khí chỉ là cấp thời mà thôi. Một khi qua vận khác thì phải lập tức thay đổi cửa, hoặc tu tạo ngay để tránh tai họa.

 

Hình 8: nhà hướng NHÂM, trong vận 8, vượng khí tới cung NGỌ

 Ngoài những điều đã nói ở trên, còn 1 phương pháp “ đồng nguyên nhất khí” khác, dựa vào tọa – hướng nhà, và nguyên - vận để áp dụng. Như nhà tọa TỐN hướng KHÔN, trong vận 1 có thể dùng được thủy đến, thủy đi, cổng, cửa, ngõ vào nhà ở các phương TÝ, KHÔN, MÃO, vì những khu vực đó đều cùng Nguyên long với tọa – hướng. Hơn nữa, trong vận 1 thì số 1 là Chính thần vượng khí, còn các số 2 và 3 đều cùng trong 1 Nguyên (tức Thượng nguyên) với số 1. Mà số 1 quản thủ khu vực phía BẮC (KHẢM), số 2 quản thủ phía TÂY NAM (KHÔN), số 3 quản thủ phía ĐÔNG (CHẤN). Vì vậy, trong vận 1 có thể dùng được khí của 3 nơi đó, và cũng được coi là “đồng nguyên nhất khí”, hay nói cách khác là cùng “ Huynh - đệ 1 nhà”), hoặc “ Nhất Nguyên tam cát” (tức dùng 3 khu vực tốt trong cùng 1 Nguyên).

Tương tự, trong vận 4 Trung nguyên thì có thể kiêm dùng thủy, cổng, cửa, ngõ vào nhà ở các khu vực TỐN, KHÔN, CẤN (vì vận 5 thì 10 năm đầu dùng KHÔN làm Chính thần, 10 năm cuối dùng CẤN), CÀN (tức 4, 5, 6). Còn trong vận 7 thì có thể kiêm dùng thủy, cổng, cửa, ngõ vào nhà ở các khu vực ĐOÀI, CẤN, LY (tức 7, 8, 9).

Đó là những trường hợp của các vận đứng đầu trong 1 Nguyên, còn với những vận giữa, hay cuối của 1 Nguyên thì cũng tương tự như thế. Như trong vận 2 hoặc 3 vẫn có thể xử dụng khí (tức phương có thủy hay cổng, cửa, ngõ vào nhà) tại các khu vực KHẢM, KHÔN, CHẤN… Điều quan trọng của việc dùng phương pháp này là các khu vực xử dụng cần phải đắc Sinh – Vượng khí, hoặc những cặp số tốt như 1 – 4, 1 – 6, chứ nếu gặp suy, tử khí thì cũng không thể xử dụng được. Vấn đề này sẽ được làm sáng tỏ hơn trong phần “Tam cát, Ngũ cát” ở 1 mục sau. Nếu những khu vực có thủy, cổng, cửa, ngõ vào nhà vừa được đồng Nguyên long với tọa – hướng, lại đắc được cuộc “Nhất Nguyên Tam cát” này thì lực phát trong Nguyên – vận đó càng mạnh, mức độ phú – quý cũng vì thế mà được gia tăng hơn rất nhiều.

 -         Thí dụ: nhà tọa TÝ hướng NGỌ, nhập trạch trong vận 8, trạch vận căn nhà như hình dưới.

 

Hình 9: trạch vận nhà tọa TÝ hướng NGỌ, vận 8

 Trước hết, xét tọa – hướng nhà là TÝ – NGỌ thuộc Thiên nguyên long, cho nên thủy, cổng, cửa, ngõ vào nhà chỉ nên nằm ở các phương TÝ – NGỌ – MÃO – DẬU hay CÀN – KHÔN – CẤN – TỐN mà thôi.

 Kế đó, lại xét vận 8 là thuộc Hạ nguyên, nên có thể dùng được 3 khu vực ĐOÀI – CẤN – LY (tức khu vực của các số 7, 8, 9) để tạo cuộc “Nhất nguyên Tam cát”. Mà trạch vận nhà này phương LY có vượng khí, phương CẤN có sinh khí (số 9), phương ĐOÀI có sinh khí (số 1). Do đó, nếu nhà này có Thủy đến, cổng, cửa, ngõ vào nhà tại các phương TÝ, CẤN, DẬU để được cách “Đồng nguyên nhất khí” và “Nhất nguyên tam cát” thì nhà sẽ phát cực mạnh trong Hạ Nguyên.

 Trường hợp nhà kiêm hướng thì tùy theo hướng kiêm như thế nào mà cũng có thể thu về thành cách “Nhất nguyên tam cát”, và sẽ được nói rõ hơn trong phần “KIÊM HƯỚNG” ở bên dưới

Phần 2: Chính sơn, chính hướng:

Chính vì vấn đề đòi hỏi nhà phải thuần khí, nên không những giữa tọa – hướng với cổng, cửa và ngõ vào nhà phải cùng 1 Nguyên Long, mà tọa – hướng cũng nên nằm tại tuyến vị chính giữa của mỗi sơn. Nếu có kiêm (hay lệch) sang phải hoặc sang trái cũng không được quá 3 độ so với tuyến vị chính giữa. Lý do vì mỗi hướng bao gồm khoảng 15 độ, nên nếu hướng nhà chỉ lệch dưới 3 độ, tức là độ kiêm sang hướng bên cạnh còn quá nhỏ, chỉ bằng 1/5 độ số của chính tọa, chính hướng, vì vậy chưa đủ sức để làm nhiễu loạn khí của tọa và hướng. Những nhà như thế được coi là đắc “chính sơn chính hướng”, và khí của tọa – hướng mới được thuần khiết, chứ không bị tạp loạn.

 Điểm cần nhấn mạnh là vì Huyền Không chú trọng đặc biệt tới vấn đề thuần khí, cho nên mặc dù cho phép tọa – hướng nhà được kiêm tới 3 độ, nhưng tuyến vị tốt nhất vẫn là chính giữa của mỗi sơn – hướng, và những tọa – hướng như thế được gọi là đơn hướng (tức chỉ 1 hướng mà thôi chứ không kiêm). Cho nên, người biết về Huyền Không khi chọn tọa – hướng đều lấy đơn hướng, chứ không lấy kiêm hướng. Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ, như địa hình không cho phép, hoặc phải dùng Thế quái để lấy vượng khí tới hướng... mới phải chọn kiêm hướng. Vì chỉ có đơn hướng thì nhà mới thật sự được thuần khí, còn nếu kiêm hướng dù là chỉ 1 độ cũng đã có chút ít pha tạp.

 Một điều làm cho người mới biết về Phong thủy hoang mang không ít là có nhiều trường phái lại cho rằng những tuyến chính giữa của mỗi sơn đều là những tuyến xấu, có khí trường quá mạnh nên không thể lấy. Nếu chọn những tuyến đó để tạo sơn, lập hướng sẽ dễ gặp tai họa!!! Do đó, khi chọn tọa – hướng cho nhà (hay mộ) thì họ thường không chọn tuyến vị chính giữa, mà bao giờ cũng sẽ kiêm thêm 2 hoặc 3 độ.

 Quan điểm này là do những nhận thức sai lầm về Phong thủy, vì những ai đã dùng la bàn đều nhận thấy là kim la bàn rất nhạy bén, dễ bị ảnh hưởng bởi mọi từ lực bên ngoài, nên dù là đứng trong 1 khoảng đất trống để đo hướng cũng thường bị lệch đi 1 – 2 độ. Do đó, dù là có cẩn thận như thế nào, nhưng khi chọn hướng kiêm 2, 3 độ thì thường là những nhà đó đã có thể bị lệch sang phần phải dùng Thế quái. Nhưng vì người chọn hướng vẫn cho rằng nhà chỉ kiêm 3 độ, nên sẽ lập trạch vận theo Đơn hướng. Điều này chẳng những sẽ khiến cho trạch vận bị sai lạc, mà còn gây ra nhiều hậu quả tai hại, nếu như gặp phải những hướng không thể dùng Thế quái mà lại vô tình kiêm nhiều để dùng nó. Vì việc dùng Thế quái chỉ là miễn cưỡng, tạm dùng trong trường hợp đem được vượng khí tới hướng mà thôi. Nếu vô tình dùng đến (do chọn hướng kiêm 3 độ, mà kim la bàn lại bị sai lệch hơi nhiều) nên không có được vượng khí tới hướng thì sẽ chủ đại họa. Đó là chỉ nói tới sự sai lạc do kim la bàn bị tác động bởi những từ lực trong không gian hoặc trái đất, chứ chưa nói tới sự sai lạc của người thiết kế, xây dựng nhà cửa hay phần mộ. Vì dù kim la bàn có chỉ đúng hướng, nhưng ai dám chắc là sau khi xây dựng xong thì căn nhà sẽ không lệch đi 1 – 2 độ? Mà vì độ lệch đó quá nhỏ, nên làm sao la bàn và mắt thường có thể kiểm chứng?

 Cho nên, việc chọn hướng kiêm 3 độ là điều nguy hiểm, nhất là khi cộng cả 2 yếu tố có thể làm sai lạc hướng là la bàn và xây dựng. Ngược lại, nếu chọn tuyến vị chính giữa của mỗi hướng thì dù la bàn có bị từ lực làm nghiêng sang bên nào 1 – 2 độ, hoặc do sự sai sót trong vấn đề xây cất mà nhà có bị lệch đi 1 chút, thì cơ hội hướng nhà đó vẫn nằm trong phạm vi thuần khí là rất cao, nên chẳng những có thể biết được chính xác vận khí của căn nhà, mà cũng ít khi phạm phải vấn đề vô tình đem khí suy, tử tới hướng do việc dùng kiêm hướng gây ra.

 Ngoài ra, nếu ai đã đọc tác phẩm “Tòng sư tùy bút” của Khương Diêu (đệ tử của Tưởng đại Hồng, 1 danh sư Phong thủy cuối thời nhà Minh) thì cũng có thể thấy vấn đề tránh tuyến vị chính giữa và chọn “kiêm 3 độ” là sai lầm như sau: “Ngày nọ, tôi (tức Khương Diêu) theo Phu tử (tức Tưởng đại Hồng) ra ngoài Xương an Môn, thấy nhà nọ hạ táng. Các thổ công đều nói “Có Tưởng tiên sinh tới”. Chủ nhân hỏi: “Tưởng tiên sinh là ai?” Thổ công trả lời: “Tiên sinh là bậc địa tiên”. Các địa sư (tức thầy Phong thủy) đứng ở đấy che miệng cười khẩy, nói với chủ nhân rằng: “Ông ta là Tưởng đại Hồng, thường nói thiên cơ bất khả tiết lộ đó”. Rồi bọn họ quay qua nói với thầy tôi: “Cuộc đất tốt như thế này quả là chốn hưng thịnh của Trời, nên không cần ông nhọc sức tiết lộ thiên cơ”. Chủ nhân cũng khoe cuộc đất của mình long huyệt sơn thủy đều đẹp. Thầy tôi chẳng nói gì. Thổ công là người quen với tôi mới mách cho biết rằng: “Cuộc đất này tọa SỬU, hướng MÙI kiêm CẤN – KHÔN. Trước đây 3 năm, Tưởng tiên sinh có điểm huyệt giúp cho 1 người, cũng dùng tọa SỬU hướng MÙI (tức lấy tuyến chính giữa của SỬU – MÙI, chứ không kiêm 1 độ nào cả), đến nay nhà ấy ngày càng hưng thịnh. Ở đây có 1 địa sư sao chép lại cách điểm huyệt của Tưởng tiên sinh, muốn bắt chước chỉ dùng đơn hướng. Nhưng chủ nhân và các địa sư khác đều không dám tin theo, mấy ông ấy đều đòi kiêm 3 độ”. Thầy về, tôi kể lại thì thầy nói: “Chủ nhân ắt phải chết. Phạm vào Ngũ Hoàng, Lực sĩ mà không mất người được ư?” (vì năm đó 2 sao Ngũ Hoàng, Lực sĩ đều tới phương tọa của ngôi mộ). Sau khi táng chưa tới 5 ngày, chủ nhân bị ngã ngựa mà chết”.

 Cho nên Huyền Không thường coi trọng tuyến vị chính giữa của 24 sơn – hướng mà luôn luôn tuyển chọn, còn những phái khác thì thường lo sợ, né tránh, nên lúc nào cũng sẽ tìm cách “kiêm 3 độ” trong vấn đề chọn hướng cho 1 ngôi nhà.


CHÚ Ý: qua bài này chúng ta đã thấy được, tầm quan trọng của việc đo hướng theo độ, cần rất chính xác và hạn chế sai số, thì việc bố cục sẽ đạt kết quả tốt, bằng không thì tạp khí xuất hiện khó mà tránh khỏi kết quả sai, không đạt nhiệm chứng và thường khó xử lý.


Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 0903399208
------------------------------------------------------------

Bài viết nổi bật:

PHONG THỦY NĂM GIÁP THÌN (2024)