BÀI 8
VƯỢNG SƠN – VƯỢNG HƯỚNG

Trong “Thiên ngọc kinh Ngoại thiên” của Dương công Chẩm có viết: “Sơn quản nhân đinh, Thủy quản tài lộc”. Chữ “Sơn” ở đây không chỉ có nghĩa là “núi”, mà còn là Sơn tinh của 1 trạch vận. Cũng như chữ “Thủy” không chỉ có ý nghĩa là “sông nước”, mà còn là Hướng tinh (do quan niệm phương tọa cần có núi, phía trước cần có thủy.
Do đó, Sơn tinh là chủ của núi, Hướng tinh là chủ của Thủy). Cho nên, Sơn tinh chủ về nhân đinh, còn Hướng tinh chủ về tài lộc. Vì đã gọi là “Sơn”, nên Sơn tinh nếu muốn phát huy tác dụng (hay đắc cách) thì cần phải có núi cao (hay nhà hoặc cây cao...). Vì đã gọi là “Thủy”, nên Hướng tinh nếu muốn phát huy tác dụng cần phải gặp nước.
Nhưng không phải Sơn tinh nào cũng cần phải gặp núi, mà chỉ có những Sơn tinh đang là Sinh, Vượng khí mà thôi. Chẳng hạn như trong vận 1, các Sơn tinh 1 (vượng khí), 2, 3 (sinh khí) đóng ở khu vực nào thì cần có núi hay nhà cao ở tại khu vực đó. Có như vậy nhân đinh trong gia đình mới đông đúc, lại chủ xuất hiện người tài giỏi, có danh, có tiếng.
Ngược lại, những khu vực có Sơn tinh là Suy khí hay Tử
khí thì lại cần thấp, trống hay bằng phẳng. Nếu tại đó mà có núi hay nhà cao...
sẽ đem đến những tai họa về nhân đinh như hiếm người, con cái khó lấy chồng, lấy
vợ, hoặc trong nhà xuất hiện cảnh chia ly, góa bụa, cô quả...
- Thí
dụ: nhà hướng 345 độ (tức tọa
BÍNH hướng NHÂM), vào ở năm 2006 (trong vận 8. Nếu lập Vận bàn và Sơn bàn thì sẽ
được như hình dưới.
Vì khu vực phía BẮC có Vượng khí số 8 của
Sơn tinh, còn 2 phía TÂY NAM và ĐÔNG có sinh khí 9 – 1, nên địa hình lý tưởng
cho Sơn tinh của căn nhà này là 3 phía BẮC, TÂY NAM và ĐÔNG đều nên có núi hay
nhà cao. Còn các khu vực khác chung quanh nhà cần thấp, trống như hình dưới.
Hình 13: Những khu vực đắc sinh – vượng khí
của Sơn tinh đều có nhà cao
Đó chỉ là riêng đối với các trường hợp khí
SINH, VƯỢNG, SUY, TỬ của Sơn tinh. Còn đối với trường hợp của Hướng tinh cũng
thế. Tuy rằng Hướng tinh cần có Thủy, nhưng chỉ những khu vực có Sinh khí hay
Vượng khí của Hướng tinh mới cần có Thủy như sông, hồ, ao, biển hoặc phòng tắm,
nhà vệ sinh, đường xá, cửa ra vào... Nếu được như thế thì tài lộc dồi dào, của
cải sung túc, công việc làm ăn ổn định... Ngược lại, nếu những nơi có Suy, Tử
khí của Hướng tinh mà lại có “THỦY” thì nhà đó tài lộc túng thiếu, dễ bị hao
tán tiền của, công việc làm ăn lụn bại, bế tắc...
- Thí
dụ: cũng nhà hướng 345 độ, nhập
trạch năm 2006 ở trên. Nếu lấy thêm Hướng bàn thì trạch vận của căn nhà như
hình dưới.
Vì khu vực phía BẮC có Vượng khí số 8 của
Hướng tinh, còn 2 phía NAM và ĐÔNG BẮC có sinh khí 9 – 1, nên địa hình lý tưởng
cho Hướng tinh của căn nhà này là 3 phía BẮC, NAM và ĐÔNG BẮC đều nên có sông,
ao hồ hay đường lớn.
Hình 14: Những khu vực đắc sinh – vượng khí của Sơn và Hướng tinh đều có nhà cao hoặc thủy
Điểm cần chú ý ở đây là phía BẮC có cả Vượng
khí của Hướng tinh lẫn Sơn tinh, nên khu vực này có thể có cả đường phố (hoặc
ao, hồ) lẫn nhà cao (hay núi), VỚI ĐIỀU KIỆN là đường hoặc ao hồ phải ở gần
ngay trước nhà, còn nhà cao hay núi phải ở ngoài xa. Như thế là được cách “Ngoại
Thủy hữu Sơn” (bên ngoài Thủy có thêm Sơn), sẽ chủ vượng phát cả tài lộc lẫn
nhân đinh. Ngược lại, nếu gần ngay phía trước có nhà cao hay núi, còn ngoài xa
mới có Thủy là phạm cách “Ngoại Sơn hữu Thủy”, sẽ chủ suy bại cả nhân đinh lẫn
tài lộc.
Sau khi đã xét qua những khu vực có Sinh –
Vượng khí của Sơn – Hướng tinh, còn phải để ý đến những khu vực có Suy – Tử khí
của chúng. Đối với Sơn tinh thì tất cả những khu vực còn lại đều không nên có
nhà cao. Nếu có tất sẽ làm phương hại tới nhân đinh của căn nhà. Đối với Hướng
tinh thì tất cả những khu vực còn lại đều không nên có Thủy. Nếu có tất sẽ làm
hao tổn tới tài lộc.
Đó là nguyên lý chung cho những khí Sinh –
Vượng hoặc Suy – Tử cửa Sơn tinh và Hướng tinh. Ngoài ra, có 1 số trường hợp
ngoại lệ sẽ được nói đến trong những phần khác sau này.
Sau khi đã biết và phân biệt được những yếu
tố trên, mới có thể xét tới trường hợp cơ bản đầu tiên của Phong thủy Huyền
Không là Vượng sơn, Vượng hướng. Như chúng ta đã biết, Phong thủy bắt đầu từ
Hình tượng, rồi sau này mới phát triển lên tới Lý khí và Vận số. Mà Hình tượng
phái (tức Loan đầu) thường chủ trương nhà cần có núi bao bọc, che chở nơi phía
sau (Huyền Vũ), còn phía trước cần phải trống thoáng, có sông, hồ phản chiếu
ánh sáng để tích tụ Long khí (Chu Tước), đồng thời có cửa ra vào để hấp thụ được
Long khí đó. Còn đối với Phong thủy Huyền không, khi cất nhà phải chọn hướng
như thế nào cho Vượng khí của Hướng tinh tới phía trước, còn Vượng khí của Sơn
tinh tới phía sau. Phối hợp giữa Hình tượng với Lý khí (tức phi tinh) thì căn
nhà sẽ có Vượng khí của Hướng tinh tới phía trước, đắc Thủy của sông hồ, lại có
lối ngõ, cửa nẻo vào nhà nên tài lộc đại vượng. Còn Vượng khí của Sơn tinh tới
phía sau, gặp núi nên chủ vượng nhân đinh, con cháu đông đúc, nhân tài xuất hiện,
nên là cách cục “phúc lộc song toàn”. Cho nên Vượng Sơn, Vượng Hướng (còn gọi
là ĐÁO SƠN, ĐÁO HƯỚNG, vì vượng khí của Sơn tinh tới tọa, vượng khí của Hướng
tinh tới hướng) là cách cục cơ bản của Phong thủy và Huyền Không. Những nhà có
cách cục như vậy còn được gọi là nhà có “Châu bảo tuyến” (hướng nhà quý như
châu báu). Điểm quan trọng của những trường hợp này là giữa hình thế bên ngoài
(Loan đầu) và phi tinh phải có sự tương phối thích hợp.
- Thí
dụ: nhà hướng 90 độ (tức tọa DẬU hướng MÃO), xây dựng trong vận 7. Trạch
vận của căn nhà như Hình 15: địa thế chung quanh nhà phối hợp với phi tinh
Vì lúc đó đang trong thời gian của vận 7,
nên Sinh – Vượng khí là các số 9, 8, và 7 cho cả Sơn tinh và Hướng tinh. Vì nhà
đắc vượng khí của Hướng tinh tới phía trước, nên nơi đó cần phải có sân rộng,
đường lớn và cửa ra vào. Như thế tức là Vượng khí của Hướng tinh đắc “Thủy”, nên
tài lộc mới có thể sung túc, công việc làm ăn tiến triển, ổn định. Nếu có thêm
hồ nước nơi đó (hình trên) thì càng tốt đẹp. Còn vì phía sau nhà đắc vượng khí
của Sơn tinh, nên cần có nhà cao lớn hoặc núi che chắn. Được như thế nhân đinh
sẽ vượng phát, trong gia đình có người tài giỏi xuất hiện. Cho nên, nhà được
cách “Đáo Sơn, Đáo Hướng” thì phía trước cần phải trống thoáng, có cửa ra vào
chính, hoặc có Thủy. Còn phía sau cần có núi, đồi, gò đất, hay nhà cao lớn che
chở. Có như vậy cách “Đáo Sơn, Đáo Hướng” mới được hoàn mỹ và tốt đẹp.
Ngoài ra, nếu dựa vào trạch vận (ở trên), ta thấy 2 phía TÂY NAM và BẮC của nhà này đều có Sinh khí của Hướng tinh. Nếu những nơi này có “Thủy” (chẳng hạn như biển phía TÂY NAM và cửa hông nơi phía BẮC như trong hình) thì tài lộc càng vượng phát. Còn đối với Sơn tinh, vì khu vực phía TÂY BẮC có sinh khí, nếu có thêm cây cao tại đó (hình 15) sẽ càng tốt thêm.
Ngược lại, 1 căn nhà dù đắc cách “Đáo Sơn,
Đáo Hướng” của Phi tinh, nhưng nếu phía trước không trống thoáng, mà lại có nhà
hoặc cây cao che chắn thì vượng khí của Hướng tinh nơi phía trước sẽ bị cách
“Thượng Sơn” (sẽ nói rõ hơn trong bài “Thượng Sơn, Hạ Thủy”), chủ phá tán, làm
suy bại tài lộc.
Hình 16: Nhà đắc cuộc Vượng Sơn, Vượng Hướng, nhưng phía trước bị cây che chắn, chủ suy bại tài lộc
Trong hình trên, cũng với nhà hướng 90 độ
(tọa DẬU hướng MÃO), xây trong vận 7. Phía trước tuy đắc Vượng khí của Hướng
tinh, nhưng bị cây cao che chắn là cách “Thượng Sơn”, chủ tài lộc suy bại. Phía
sau đắc Vượng khí của Sơn tinh, lại có nhà cao nên vẫn vượng nhân đinh. Cho
nên, nếu phối hợp giữa hình thế và Phi tinh thì đây là cách “vượng đinh, phá
tài”.
Ngược lại, nếu phía trước nhà trống,
thoáng, có cửa (và hồ nước), thì Vượng khí của Hướng tinh đã đắc Thủy, nên chủ
đại vượng cho tài lộc. Nhưng nơi phía sau không có nhà cao, mà cũng trống,
thoáng (hoặc có thêm hồ tắm) khiến cho Vượng khí của Sơn tinh sẽ nằm dưới thấp
(hay gặp nước), là cuộc “Hạ Thủy”, sẽ làm suy bại nhân đinh. Vì vậy, đây là
cách “vượng tài nhưng không vượng đinh” (hay “vượng tài, tổn đinh”).
Hình 17: nhà đắc cách Vượng Sơn, Vượng Hướng,
nhưng cả 2 phía trước, sau đều trống thoáng, có Thủy nên thành cách “vượng tài,
tổn đinh”
Cho nên chỉ trong 1 trường hợp “Đáo Sơn,
Đáo Hướng”, nhưng do địa hình bên ngoài khác nhau mà vận khí của mỗi căn nhà
cũng sẽ khác nhau. Do đó, điều quan trọng là Loan đầu có phù hợp với Phi tinh
hay không? Nếu phù hợp mới thật sự là cách cục “Vượng Sơn, Vượng Hướng”, và nhà
mới phát phúc, phát lộc. Còn nếu ngoại hình không phù hợp sẽ biến thành cách cục
“Thượng Sơn, Hạ Thủy” mà gây ra hung họa cho tài lộc hoặc nhân đinh.
"Nhưng thế nào là phù hợp hay không phù hợp? "
Như chúng ta đã biết, Sơn tinh muốn đắc cách phải đóng ở những khu vực có núi cao. Hướng tinh muốn đắc cách phải đóng ở những khu vực có Thủy như sông, biển, đường đi hay cửa ra vào nhà…Vì vậy, nhà có vượng khí của Hướng tinh tới phía trước còn đòi hỏi khu vực trước nhà phải trống, thoáng, có thủy hay đường đi, cửa ra, vào… Còn vượng khí của Sơn tinh đến phía sau cũng đòi hỏi khu vực phía sau nhà có núi hay nhà cao…như thế mới thật sự đắc cách “Đáo Sơn, Đáo Hướng” mà đinh, tài đều vượng phát.
Ngược lại, nếu phía trước lại có núi, nhà cao, hoặc bị gò đất nhô lên, cây cối rậm rạp, um tùm che chắn…tức là vượng khí của Hướng tinh không gặp “Thủy” mà lại gặp “Sơn”. Còn vượng khí của Sơn tinh tuy tới phía sau, nhưng phía sau không có núi hay nhà cao, mà có sông, hồ, ao, biển, hoặc hố sâu, cống rãnh…, tức là vượng khí của Sơn tinh không gặp “Sơn” mà lại gặp “Thủy”. Đó đều là những cách cục suy bại về tài lộc và nhân đinh.
Cho nên mới nói giữa Phi tinh và ngoại hình Loan đầu bên ngoài phải có sự phù hợp là như vậy. Nếu phù hợp mới thật sự là “vượng”, và tài lộc cùng nhân đinh đều sẽ được hưng thịnh. Còn nếu trái ngược (tức không phù hợp) thì dù tọa – hướng có gặp vượng khí của Sơn – Hướng tinh cũng sẽ biến thành “suy” mà phát sinh muôn vàn tai họa. Đây là điều mà người học Huyền Không cần phải ghi nhớ.
Tổng hợp 18 bài cơ bản HKPT tại đây:
- Bài 01: KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HUYỀN KHÔNG
- Bài 02: NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN
- Bài 03: NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG VÀ NGŨ HÀNH
- Bài 04: SỰ TƯƠNG QUAN NGŨ HÀNH
- Bài 05: VÒNG LƯỢNG THIÊN XÍCH
- Bài 06: THẾ QUÁI
- Bài 07: SINH – VƯỢNG – SUY – TỬ KHÍ TRONG HUYỀN KHÔNG
- Bài 08: VƯỢNG SƠN – VƯỢNG HƯỚNG
- Bài 09: ĐẶC TÍNH CỦA CỬU TINH TRONG HUYỀN KHÔNG
- Bài 10: TAM NGUYÊN, CỬU VẬN TRONG HUYỀN KHÔNG HỌC
- Bài 11: 24 SƠN (HƯỚNG) & TAM NGUYÊN LONG
- Bài 12: PHƯƠNG PHÁP LẬP TINH BÀN
- Bài 13: CHÍNH SƠN, CHÍNH HƯỚNG
- Bài 14: THU SƠN – XUẤT SÁT
- Bài 15: PHẢN NGÂM – PHỤC NGÂM
- Bài 16: THƯỢNG SƠN – HẠ THỦY
- Bài 17: LINH THẦN & CHÍNH THẦN
- Bài 18: KIÊM HƯỚNG
Trân trọng!
P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.
--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
+ Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
+ CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
+ Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét