Tìm kiếm Blog này

26 tháng 2 2023

HKPT_TỔNG KẾT 18 BÀI CƠ BẢN

 TỔNG KẾT 18 BÀI CƠ BẢN 

MÔN PHONG THỦY HUYỀN KHÔNG PHI TINH


Sách "Phong thủy Huyền không học" là một cuốn sách rất hay về phong thủy và không thể thiếu cho những ai muốn tìm hiểu về Phong thủy Huyền không. Cuốn sách xuất bản đầu tiên 2008, một trường phái với kiến thức khá mới mẻ, nhưng đã được các thành viên giới học thuật phong thủy đón nhận nồng nhiệt, đánh giá chất lượng, là nền tảng cơ bản phải đọc đầu tiên, nên đã rất nổi tiếng, và tên tuổi của tác giả Bình Nguyên Quân được mọi người tôn trọng.

Cảm ơn thầy Bình Nguyên Quân đã tốn nhiều công sức và tâm huyết để biên soạn! Rất mong mọi người đón nhận !


Đây cũng là cuốn sách phong thủy tôi yêu thích nhất và đã đọc hơn mười mấy lần, mỗi lần đọc tìm ra, hiểu thêm và luận quá khứ HUNG/CÁT của ngôi nhà đạt độ chính xác cao. Giá trị của nó giúp tôi tìm ra hướng đi đúng để nghiên cứu học hỏi về phong thủy.

Vì vậy tôi đã trích (có chỉnh sửa nhỏ) 18 bài viết về kiến thức cơ bản môn phong thủy HUYỀN KHÔNG PHI TINH từ quyển sách trên, để bạn đọc yêu thích phong thủy đọc và tìm miềm đam mê giống như tôi:


Tuy nhiên điều tốt nhất, các bạn nên mua quyển sách trên để đọc, học kỹ hơn và có nhiều ví dụ rất hay, hình ảnh minh họa cụ thể , có phân tích 1 số yếu tố trong bộ phận nhà có ảnh hưởng trong bố cục phong thủy...và rất nhiều kiến thức bổ ích khác.. Việc đọc sách và ghi chú trên sách giấy sẽ giúp các bạn học dễ dàng và thích thú hơn đọc sách ebook.

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

HKPT_Bài 18: KIÊM HƯỚNG

 

BÀI 18

KIÊM HƯỚNG

      Những nhà có tuyến vị của tọa – hướng nằm lệch từ 1 độ đến 7 độ 5 so với tuyến vị chính giữa (bất kể là lệch sang bên phải hoặc bên trái) đều được xem là Kiêm hướng. Nhưng như đã nói ở trên, những nhà có tuyến vị lệch từ 1 đến 3 độ vẫn được coi là thuộc “chính sơn, chính hướng”, vì khí vẫn còn thuần nhất, nên không có gì thay đổi. Còn những nhà có tuyến vị lệch từ 3 đến 6 độ thì do độ kiêm khá lớn, khí của sơn bên cạnh đã pha tạp với khí của chính tọa, chính hướng khá nhiều, cho nên khi lập tinh bàn mới phải dùng đến Thế Quái. Đây là trường hợp chỉ nên tạm dùng trong 1 thời vận nào đó, đến khi qua vận khác nếu thấy chính hướng đắc vượng khí thì cần xây dựng lại nhà cửa (hay phần mộ) theo đó, chứ không thể để nhà kiêm hướng nhiều trong 1 thời hạn lâu dài, sẽ có tai họa do vấn đề khí không thuần khiết mà ra, khiến cho người trong nhà phẩm chất hư hèn, lại dễ mắc những tai họa về hình ngục. Câu “Chính sơn, chính hướng, lưu chi thượng, quả, yểu, tao hình trượng” trong “Thiên ngọc Kinh” của Dương quân Tùng, có nghĩa là sơn – hướng không được kiêm nhiều (cho nên mới dùng chữ “Chính sơn, chính hướng”), lại cũng không được khác Nguyên long với thủy lưu, cổng, cửa, lối vào nhà, kẻo nếu không thì người nhà sẽ bị cô quả, yểu chiết, hay hình ngục tù, lao tù. Cho nên người học Huyền Không phải rất cẩn thận trong vấn đề kiêm hướng.

- Thí dụ 1: (trích trong “Trạch vận Tân án” trang 386 – 87, bài “CÙNG 1 CĂN NHÀ KẺ HỌA NGƯỜI PHÚC”)

Tại con hẻm gần trường đua ngựa Thượng Hải, có căn nhà lầu tọa NHÂM hướng BÍNH kiêm HỢI – TỴ 5 độ. Địa thế và trạch vận căn nhà như những hình dưới.

 

Hình 10: sơ đồ căn nhà tọa NHÂM hướng BÍNH kiêm TỴ - HỢI 5 độ

 

Hình 11: trạch vận nhà tọa NHÂM hướng BÍNH kiêm HỢI – TỴ 5 độ, vận 3

Vì hướng nhà kiêm nhiều, nên khi lập trạch vận phải dùng Thế quái Ông A vào ở nhà này từ năm 1911 (TÂN HỢI), thuộc vận 3 Thượng nguyên. Sau khi nhập trạch làm ăn phát đạt, thu hơn 10 vạn đồng (1 số tiền rất lớn vào thời đó). Vì sao Tứ Lục (số 4) là sinh khí tới hướng, sao Tam Bích (số 3) là vượng khí đến ngã ba cuối hẻm (hậu lộ). Từ đầu (ngã tư phía trước) tới cuối hẻm (ngã 3 phía sau) có 8 gặp 3 (tức 8 - 3) hóa hợp thành Mộc Tiên thiên, tỉ hòa với Hướng tinh (sinh khí 4 phía trước và vượng khí 3 phía sau đều thuộc hành Mộc). Đường đi bên tay trái (tức lối đi bên hông nhà) có sơn tinh 4 – 9 Kim Tiên thiên, sinh cho vận tinh 1 – 6 Thủy Tiên thiên. 1 – 6 Thủy sinh cho 3 – 8 Mộc, rồi 3 – 8 Mộc lại sinh cho 2 – 7 Hỏa (Vận tinh tại ngã tư phía trước và hướng), tưởng rằng sẽ bị hao trong, lợi ngoài (vì những cặp số Tiên thiên từ phía sau và bên hông phải sinh cho cặp số nơi ngoài ngõ, tức bị sinh xuất ra ngoài). Nhưng nhờ cửa sau đắc Tam ban xảo số 2 – 5 – 8, nên Hỏa tiên thiên phía trước phải sinh nhập trở lại (vì 2 – 5 – 8 đều thuộc Thổ). Thêm sinh khí Tứ Lục đến phía Nam sông Hoàng Phố (tức phía NAM căn nhà), vượng khí Tam bích đến cửa sông Ngô Tùng (tức phía ĐÔNG BẮC), khiến cho sinh – vượng khí đều gặp Thủy, nên phát như sấm sét.

Có ông B là phó giám đốc ngân hàng vốn đã có nhà, nhưng vì đang tu sửa nên đi tìm nhà thuê ở. Vừa hay ông A có nhà đang phát phúc này chuyển đi nơi khác, ông B liền thuê ngay và dọn vào ở năm 1929 (KỶ TỴ). Lúc đó đã bước sang vận 4 Trung nguyên. Trạch vận của căn nhà như hình dưới.

 

Hình 12: trạch vận nhà tọa NHÂM hướng BÍNH kiêm HỢI – TỴ 5 độ, vận 4

Tuy cùng 1 nhà, cùng nội – ngoại khí khẩu (tức cửa trong, cửa ngoài), nhưng trước thì hấp thu khí sinh – vượng, nay cửa trước, cửa sau đều bị khí suy tử của Nhị Hắc và Tam Bích. Tam Bích (số 3) đến LY (phía NAM), khiến Thủy của sông Hoàng Phố biến thành Thủy suy bại, thoái tài. Vượng khí Tứ Lục (số 4) tuy đến cửa sông Ngô Tùng, nhưng ngại 4 – 9 Kim Tiên thiên tại đường đi khắc. Lại thêm 4 – 9 Kim sinh 1 – 6 Thủy, Thủy này sinh 3 – 8 Mộc, để Mộc sinh 2 – 7 Hỏa (vận tinh) ở đường đi bên trái. Thêm trung cung có vận tinh Tứ Lục Mộc bị 2 sao Thất Xích Kim khắc. Nguyên người bạn ông B mở cửa hàng tơ lụa bên căn nhà phía ĐÔNG (nhà láng giềng trong hình), nhà này hấp thu tử khí Nhất Bạch (tại ngã tư). Năm CANH NGỌ (1930), niên tinh Tứ Lục Mộc đến KHÔN, thu hút nguyên khí của sao Nhất Bạch Thủy tại đây, khiến cho cửa hàng này bị thua lỗ nặng. Ông B cũng có 1 phần vốn trong đó, nên khi bạn bè gặp rủi thì mình cũng trắng tay. Lúc mới thuê nhà, ông B tưởng gặp được nhà tốt, làm ăn sẽ phát đạt, nên bỏ rất nhiều tiền để trang trí nội thất. Nhưng vào ở được ít lâu thì mắc bệnh nặng, vì năm 1929, niên tinh Ngũ Hoàng đến cổng tại phương Mùi của căn nhà. Từ đó về sau, ông thường xuyên bị bệnh quấy nhiễu (vì cửa sau nhà có sao Nhị Hắc chiếu tới). Đến cuối năm CANH NGỌ (1930), vì bất mãn nên ông từ chức phó giám đốc ngân hàng, đến nay (tức lúc người biên bài này nói tới, không rõ năm nào) vẫn chưa đi làm ở đâu, giữa lúc gia cảnh ngày càng sa sút. Trong lúc khó khăn, vào thượng tuần tháng 4 năm ĐINH MÙI (1931), con trai của ông mắc bệnh viêm màng não rồi chết.

- Thí dụ 2: (cũng trích trong “Trạch vận Tân án”, trang 415, bài “PHÁT PHÚC GẶP HỌA ĐỀU CÓ ĐỊNH SỐ”).

Cửa hiệu bán thuốc của ông Trương ở xã Lương Khê, QUÝ sơn, ĐINH hướng kiêm TÝ – NGỌ 5 độ, khai trương năm KỶ MÙI (1919 – tức vận 3). Nhà 2 gian, phương CẤN có sông lớn, phía sau bên trái nhà (tức ĐÔNG BẮC) có ngã 3 sông. Sang vận 4, việc buôn bán vô cùng phát đạt. Nhưng đến năm TÂN MÙI (1931), ông Trương đi mua thuốc phiện tại Thượng Hải trên đường về bị bắt. Sau đó ra tòa bị kết án 1 năm rưỡi tù. Trạch vận căn nhà như hình dưới.

 

Hình 13: trạch vận nhà tọa QUÝ hướng ĐINH kiêm TÝ – NGỌ 5 độ, vận 3


Hình 14: sơ đồ nhà tọa QUÝ hướng ĐINH kiêm TÝ – NGỌ 5 độ

* Chú thích: vì phương CẤN của căn nhà có Hướng tinh Tứ Lục, trong vận 4 là vượng khí, mà nơi đó có sông lớn nên việc làm ăn cực thịnh. Nhưng vì 2 cửa trước, sau đều bị suy, tử khí, hướng nhà lại kiêm nhiều, nên 1 khi gặp niên tinh xấu tới là có tai họa. Hướng nhà kiêm nhiều mà cửa bị khí suy tử nên con người thiếu trong sạch. Do đó mới hành nghề buôn thuốc phiện là việc làm phi pháp để bị bắt giam.

Qua 2 thí dụ này, ta thấy kiêm hướng chỉ có thể dùng khi có được sinh – vượng khí đến hướng hay khí khẩu mà thôi. Còn 1 khi đã mất điểm đó thì con người sẽ trở nên bần tiện hoặc gian xảo, dễ vướng vào vòng pháp luật. Cho nên trường hợp trước thì người bị mất chức, trường hợp sau thì người bị tù tội. Chưa kể những tai họa khác cả về tài lộc lẫn nhân đinh. Ngoài ra, trong trường hợp kiêm hướng cũng còn phải tùy theo âm – dương mà kiêm đúng pháp độ mới có thể tạo phúc, chứ không thể kiêm 1 cách tùy tiện. Nói tùy theo âm – dương tức là phải xem tọa – hướng của căn nhà nằm trong những sơn dương hay âm? Nếu chúng nằm trong những sơn dương thì khi kiêm hướng phải dùng những độ số dương như 1, 3, 5, 7. Nếu chúng nằm trong những sơn âm thì dùng những độ số âm như 2, 4, 6. Đó mới là kiêm đúng pháp độ. Còn kiêm không đúng pháp độ tức là tọa – hướng thuộc sơn dương mà dùng độ số âm, hay tọa – hướng thuộc sơn âm mà dùng độ số dương. Nếu kiêm đúng pháp độ thì trong trường hợp đắc vượng khí tới hướng sẽ có thể phát lớn. Trong trường hợp thất vận, hoặc gặp khí suy tử chiếu tới cũng không đến nỗi mắc tai họa nặng lắm. Nếu kiêm không đúng pháp độ dù đắc vượng khí tới hướng mà có đắc tài đắc lộc cũng có những tai họa bất ngờ. Gặp lúc thất vận thì hung họa càng khủng khiếp, không thể đo lường được.

- Thí dụ 1: trở lại thí dụ 1 ở trên, nhà tọa NHÂM hướng BÍNH kiêm HỢI – TỴ 5 độ. Tuy tọa - hướng thuộc sơn dương, lại kiêm độ số dương (5 độ) tức là kiêm đúng pháp độ. Nhưng vì tọa – hướng thuộc Địa nguyên mà lại kiêm Nhân nguyên, khiến cho nhà nhận nhiều tạp khí, nên khi thất vận thì tai họa liên tiếp xảy ra.

Thí dụ 2: cũng lấy thí dụ 2 ở trên, nhà tọa QUÝ hướng ĐINH kiêm TÝ – NGỌ 5 độ. Vì tọa – hướng là QUÝ – ĐINH, thuộc âm sơn của Nhân nguyên Long, cho nên có thể kiêm TÝ – NGỌ thuộc Thiên nguyên Long. Nhưng chỉ vì kiêm 5 độ là số dương, không đúng pháp độ, nên con người vẫn biến chất, đến khi cửa bị suy, tử khí thì liền mắc họa hình ngục. Một điều cần để ý là khi nhà hay mộ kiêm hướng thì chính tọa chính hướng của nó được gọi là “Chủ Sơn, Chủ Hướng”, còn tọa – hướng được kiêm gọi là “Chi Thần”.

Vấn đề kiêm hướng lại được chia ra thành 6 trường hợp như dưới đây:

·        Tọa – hướng là Thiên nguyên long kiêm Nhân nguyên long.

·        Tọa – hướng là Thiên nguyên long kiêm Địa nguyên long.

·        Tọa – hướng là Nhân nguyên long kiêm Thiên nguyên long.

·        Tọa – hướng là Nhân nguyên long kiêm Địa nguyên long.

·        Tọa – hướng là Địa nguyên long kiêm Thiên nguyên long.

·        Tọa hướng là Địa nguyên long kiêm Nhân nguyên long.

Nói chung là trong cả 6 trường hợp kể trên thì cổng, cửa, lai, khứ thủy... đều phải cùng 1 Nguyên Long với “Chủ Sơn, Chủ Hướng”, chứ không thể cùng Nguyên Long với “Chi Thần” được. Tuy nhiên, với những nhà có tọa – hướng là Thiên nguyên long kiêm Nhân nguyên long thì có thể kiêm dùng thủy, cổng, cửa tại những khu vực thuộc Nhân nguyên long như đã nói ở phần trên. Hoặc trong trường hợp hình thành cuộc “Nhất nguyên Tam cát” thì càng tốt hơn.

Thí dụ: nhà hướng 186 độ, tọa TÝ hướng NGỌ kiêm QUÝ – ĐINH 6 độ ở trên, nhưng nhập trạch trong vận 8, trạch vận như hình dưới.

 

Hình 15: trạch vận nhà tọa TÝ hướng NGỌ kiêm QUÝ – ĐINH 6 độ, vận 8

Vì TÝ – NGỌ kiêm QUÝ – ĐINH là Thiên nguyên (Phụ mẫu) kiêm Nhân nguyên (Thuận tử), còn vận 8 là thuộc HẠ NGUYÊN, bao gồm 3 phương ĐOÀI, CẤN, LY. Cho nên, nếu có thể thu được thủy từ các cung phụ mẫu của 3 phương đó (tức DẬU, CẤN, NGỌ) cho hợp với Chính tọa – Chính hướng thì càng tốt. Còn nếu không cũng có thể thu thủy của Nhân nguyên (Thuận tử) tại 3 phương đó (tức TÂN, DẦN, ĐINH) để phát tài lộc. Lý do vì DẬU, CẤN, TỐN vừa cùng thuộc Thiên nguyên long, lại cùng thuộc HẠ NGUYÊN, nên chúng là “Huynh – đệ 1 nhà”. Còn TÂN, DẦN, ĐINH đều là Thuận tử của chúng, nên có thể xử dụng thành cách “Cốt nhục đoàn tụ”, và cũng là cuộc “Nhất nguyên tam cát”.

Điều cần để ý là nếu tọa - hướng nhà là Thiên nguyên long kiêm Nhân nguyên long thì chỉ có thể dùng được Nhân nguyên long, chứ không thể kiêm dùng thủy tại những khu vực của Địa nguyên long, cho dù cùng 1 nguyên vận. Nếu tọa - hướng nhà là Thiên nguyên long kiêm Địa nguyên long thì chỉ trong trường hợp hình thành cuộc “Nhất nguyên tam cát” mới có thể dùng thủy, cổng, cửa, ngõ vào nhà tại những khu vực thuộc hướng kiêm (tức Chi thần) mà cũng có thể phát phúc – lộc được. Còn trường hợp tọa – hướng nhà là Nhân nguyên long kiêm Thiên nguyên hay Địa nguyên long; hay tọa – hướng nhà là Địa nguyên long kiêm Thiên nguyên hay Nhân nguyên long thì thủy, cổng, cửa, ngõ vào nhà chỉ có thể cùng Nguyên long với Chính tọa – Chính hướng mà thôi, chứ tuyệt đối không thể cùng Nguyên long với Chi thần được.


Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

Tổng hợp 18 bài cơ bản HKPT tại đây: 

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

HKPT_Bài 17: LINH THẦN & CHÍNH THẦN

 

BÀI 17

LINH THẦN & CHÍNH THẦN

 

1)    CHÍNH THẦN:

 

Trong “Thiên ngọc kinh”, Dương Quân Tùng đã viết về Linh – Chính thần như sau:

“ÂM DƯƠNG NHỊ TỰ KHÁN LINH CHÍNH, TỌA HƯỚNG TU TRI BỆNH. NHƯỢC NGỘ CHÍNH THẦN CHÍNH VỊ TRANG, BÁT THỦY NHẬP LINH ĐƯỜNG. LINH ĐƯỜNG CHÍNH HƯỚNG TU TIÊU HẢO, NHẬN THỦ LAI SƠN NÃO. THỦY THƯỢNG BÀI LONG ĐIỂM VỊ TRANG, TÍCH TÚC VẠN DƯ SƯƠNG.”

Tạm dịch:

“ Dùng 2 chữ Âm – Dương để định Linh – Chính, sẽ biết cách tu sửa sự sai lầm (bệnh) của tọa – hướng. Nếu như đặt tọa nơi phương vị của Chính thần, thì Linh đường sẽ thu được thủy từ 8 hướng. Lấy Linh đường làm chính hướng là cách tốt đẹp, sẽ nhận được Long khí của lai sơn. Trên thủy định vị trí để bài bố long, sẽ có đủ thóc lúa để nuôi sống vạn mái nhà”.

 

Nói “dùng 2 chữ ÂM – DƯƠNG để định Linh – Chính thần”, tức là dùng sự thịnh – suy, đối xứng (hay đối đãi) nhau của các vận, hầu tìm ra Linh – Chính thần. Như vận 1 thì đó là lúc sao Nhất bạch đương vượng, khí của nó đang trong giai đoạn cường thịnh nhất (dương), nên đó là Chính thần. Ngược lại, cũng trong vận 1 thì sao Cửu tử là thoái khí (tức suy vi nên là âm), lại nằm đối diện với phương vị của sao Nhất Bạch trong Lạc thư (vị trí đối xứng với Chính thần), nên đó là Linh thần. Cho nên, Chính thần là phương vị của 1 sao (hay 1 số) đương vượng, còn Linh thần là phương vị của 1 số đang trong thời kỳ suy hoặc tử, và nằm đối diện với phương vị của Chính thần. Vì vậy, muốn biết phương vị của Chính thần thì trước hết cần phải nhớ địa bàn phân bố của 9 số trong Lạc thư như sau:

- Số 1: tại phương KHẢM (phía BẮC).

- Số 2: tại phương KHÔN (TÂY NAM).

- Số 3: tại phương CHẤN (ĐÔNG).

- Số 4: tại phương TỐN (ĐÔNG NAM).

- Số 5: tại trung cung (không có phương vị).

- Số 6: tại phương CÀN (TÂY BẮC).

- Số 7: tại phương ĐOÀI (TÂY).

- Số 8: tại phương CẤN (ĐÔNG BẮC).

- Số 9: tại phương LY (NAM).

 

Hình 87: Lạc thư và phương vị của 9 số

Vì mỗi số vừa quản thủ 1 vận (từ vận 1 tới vận 9), vừa làm chủ khu vực mà nó đóng, cho nên khi tới vận của số nào thì số đó được coi là Chính Thần đương vận, và khu vực mà nó đóng (hay cai quản) sẽ là khu vực của Chính Thần trong vận đó.

Thí dụ: vào vận 1 Thượng nguyên thì số 1 sẽ là Chính Thần đương vận (tức vượng khí), còn khu vực phía BẮC (tức phương KHẢM, nơi nó đóng và cai quản) sẽ là khu vực của Chính Thần trong vận 1.

Tương Tự như thế, khi bước sang vận 2 thì số 2 sẽ là Chính Thần đương vận, và phía TÂY NAM (phương KHÔN) sẽ là khu vực của Chính Thần trong vận 2...

Riêng đối với số 5 vì nằm tại trung cung, không có phương vị nhất định, nên khi tới vận 5 thì 10 năm đầu lấy phía TÂY NAM làm khu vực của Chính Thần, còn 10 năm cuối lấy phía ĐÔNG BẮC làm khu vực của Chính Thần.

Vì Chính Thần là khu vực có vượng khí của sơn mạch, nên nơi này cần có núi cao, hoặc dải đất từ nơi đó tiến tới. Nếu được như thế thì nhà cửa, hoặc làng mạc, hay thành phố... sẽ được bình yên, hay vượng phát trong vận đó. Ngược lại, nếu khu vực của Chính Thần mà có ngã ba sông (nơi 2 con sông nhập lại), hay có ao, hồ, sông, biển lớn... thì nhà cửa hay làng mạc, thành phố đó sẽ phát sinh nhiều hung họa trong thời gian đó. Cho nên, khu vực của Chính thần không được có thủy, nếu có sẽ chủ tai họa. Vì vậy, thủy nằm trong khu vực của Chính thần được gọi là “LINH THỦY” (thủy thất vận chủ tai họa).

- Thí dụ: vào vận 8 Hạ nguyên, khu vực của Chính thần sẽ là phía ĐÔNG BẮC (vì đó là phương vị của số 8. Cho nên, nếu phía ĐÔNG BẮC của căn nhà, ngôi làng, hay 1 thành phố... mà có núi, hay có dải đất dài từ phía đó tiến tới thì căn nhà, ngôi làng, hay thành phố đó sẽ được sung túc, làm ăn thịnh vượng, yên ổn trong vận 8. Ngược lại, nếu khu vực đó lại có cửa biển, hoặc nơi tụ hội của 2 dòng sông, hay có sông lớn chảy qua... thì sẽ gặp nhiều hung họa.

 

Hình 88: nhà có sông giao hội tại khu vực phía ĐÔNG BẮC, trong vận 8 là khu vực của CHÍNH THẦN, nên chủ suy bại, hoặc nhiều tai họa.

 

2)    LINH THẦN:

Là phía đối diện với khu vực của Chính Thần. Lấy thí dụ như trong vận 1 thì khu vực của Chính Thần ở phía BẮC, cho nên khu vực của Linh thần sẽ ở phía NAM. Trong vận 2 thì Chính thần ở phía TÂY NAM, nên Linh thần nằm ở phía ĐÔNG BẮC. Trong vận 3 thì Chính thần nơi phía ĐÔNG, nên Linh thần sẽ ở phía TÂY. Các vận khác đều như thế mà suy ra. Do đó, dựa vào vị trí những khu vực của Chính thần, ta sẽ có những khu vực của Linh Thần theo từng vận như sau:

Hình 89: bảng phương vị của CHÍNH THẦN và LINH THẦN trong 9 vận

Riêng với Vận 5, vì trong 10 năm đầu dùng phía TÂY NAM làm Chính Thần, nên lấy khu vực ĐÔNG BẮC làm Linh Thần. Còn trong 10 năm cuối dùng phía ĐÔNG BẮC làm Chính Thần, nên lấy TÂY NAM làm khu vực của Linh Thần.

Một vấn đề trọng yếu trong việc xác định phương vị của Linh Thần là khu vực này cần có thủy của sông, hồ, cửa biển..., nếu được như thế thì nhà cửa, làng mạc, đô thị... sẽ trở nên phồn thịnh, sầm uất trong vận đó. Cho nên, thủy nằm tại khu vực của Linh Thần lại được gọi là “CHÍNH THỦY” (tức thủy tốt hay vượng thủy). Ngược lại, nếu khu vực này có long hành tiến tới, hay dải đất chạy từ phía đó tới sẽ chủ suy bại, hoặc có nhiều tai biến.

- Thí dụ: trong vận 8, phương vị của Linh thần sẽ nằm ở phía TÂY NAM. Vì vậy, nếu khu vực đó của nhà ở hay làng mạc, đô thị... mà có ao, hồ, sông, hoặc cửa biển... thì rất tốt, chủ vượng phát về mọi mặt, nhất là về kinh tế, tài lộc. Ngược lại, nếu nơi đó có thế núi, hay thế đất tiến tới thì căn nhà, ngôi làng, hay đô thị đó sẽ gặp nhiều tai biến, hung họa, tài lộc và kinh tế suy sụp.

 

Hình 90: nhà có sông giao hội tại khu vực phía TÂY NAM, trong vận 8 là khu vực của LINH THẦN, nên chủ đại vượng về tài lộc

 

Hình 91: nhà có ngã 4 tại phía TÂY NAM, trong vận 8 cũng là 1 hình thức đắc “Thủy” của LINH THẦN, nên cũng khá tốt về tài lộc

 

3)    NHỮNG TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ

Vấn đề khảo sát những khu vực của Chính Thần, Linh Thần, cũng như những yếu tố chúng cần có hay không thể có... chủ yếu là dùng để luận đoán vận khí hưng, suy của 1 khu vực, 1 thành phố hay 1 quốc gia... Còn riêng với vận khí của nhà ở thì trước tiên vẫn phải xem xét khu vực của các khí sinh, vượng hay suy, tử là nằm tại phương nào? Sau đó mới phối hợp với các phương vị của Chính Thần, Linh Thần mà tìm ra khu vực nào nên có thủy, khu vực nào nên có núi..., chứ không nhất thiết là khu vực của Chính Thần phải có núi, còn khu vực của Linh Thần phải có thủy.

- Thí dụ 1: Nhà hướng 30 độ (tức hướng SỬU, thuộc phía ĐÔNG BẮC), nhập trạch trong vận 8. Trạch vận của căn nhà như hình dưới.

 

Hình 92: Trạch vận nhà hướng SỬU, 30 độ, vận 8

Nhìn vào tinh bàn trạch vận thấy hướng tinh số 8 tới phía ĐÔNG BẮC, còn hướng tinh số 5 tới phía TÂY NAM. Nếu theo những nguyên lý về Chính Thần và Linh Thần ở trên, phía ĐÔNG BẮC cần có núi, còn phía TÂY NAM cần có thủy. Nhưng vì vượng khí (của Hướng tinh) số 8 đang chiếu tới phía ĐÔNG BẮC, nên khu vực này của căn nhà lại cần có thủy, chứ không được có núi. Nếu có núi ắt tài lộc của gia đình sẽ suy bại, còn nếu có thủy thì vấn đề làm ăn, sinh sống mới được tốt đẹp.

Ngược lại, phía TÂY NAM tuy là khu vực của Linh Thần, nên theo nguyên lý cần có Thủy. Nhưng vì nơi này có tử khí (của Hướng tinh) Ngũ Hoàng chiếu tới, vì vậy không được có thủy. Nếu có thủy tất chủ đại hao tán tiền bạc, kèm thêm bệnh tật hoặc tai họa nghiêm trọng cho người trong nhà. Còn nếu phía đó có núi thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp.

Thí dụ 2: nhà hướng 360 độ (hay 0 độ, tức hướng TÝ thuộc chính BẮC), nhập trạch trong Vận 8. Tinh bàn của trạch vận như hình dưới.

Hình 93: Trạch vận nhà hướng TÝ, 0 độ, vận 8

Nhìn vào trạch vận thấy Hướng tinh số 7 tới phía ĐÔNG BẮC, còn hướng tinh số 1 tới phía TÂY NAM. Vì số 7 là suy khí của Vận 8, nên không thể có thủy tại nơi đó. Khu vực này cũng là khu vực của Chính Thần, cần có núi thì tốt, có thủy vừa chủ phá tài, vừa hại nhân đinh. Cho nên phía ĐÔNG BẮC của nhà này cần có núi, nếu có thủy sẽ làm suy bại cả nhân đinh lẫn tài lộc. Ngược lại, Hướng tinh 1 là sinh khí của vận 8 tới phía TÂY NAM, nên nơi này cần có thủy. Đây cũng là khu vực của Linh Thần, nếu gặp thủy sẽ chủ phát về tài lộc. Vì vậy, phía TÂY NAM của căn nhà nếu có thủy là tốt, nếu có núi là xấu, sẽ đem đến nhiều tai họa cho nhân đinh và tiền bạc. Cho nên, đối với nhà cửa thì điều quan trọng vẫn là phương vị của các phi tinh trong trạch vận, rồi sau đó mới phối hợp với nguyên lý của Chính Thần, Linh Thần mà tìm ra những nơi cần có núi, những nơi cần có thủy. Như thế mới bảo đảm cho mọi sự được hoàn mỹ, tốt đẹp. Do đó, không thể áp dụng những nguyên lý về Chính Thần hay Linh Thần 1 cách máy móc, vì như thế sẽ có thể phạm phải những sai lầm đáng tiếc mà chuốc lấy nhiều tai họa.

 

4)    CÁCH XỬ DỤNG LINH THẦN SAI LẦM - SỰ PHỐI HỢP GIỮA HUYỀN KHÔNG PHI TINH VỚI HUYỀN KHÔNG ĐẠI QUÁI:

Gần đây, có 1 số lý thuyết cho rằng việc xử dụng Linh thần không phải là dùng khu vực đối diện với khu vực của Chính thần, mà là dùng Hướng tinh của trạch vận, có số trùng với số địa bàn của khu vực đối diện với Chính thần làm Linh Thần.

- Thí dụ: nhà tọa CẤN hướng KHÔN, vào ở trong vận 4, có trạch vận như hình dưới. Vì là trong vận 4, phía ĐÔNG NAM là Chính thần, nên phía TÂY BẮC là Linh thần. Mà TÂY BẮC là địa bàn của số 6, nên lấy Hướng tinh số 6 chính là Linh thần. Kế đó, nhìn vào trạch vận thấy Hướng tinh số 6 nằm ở khu vực phía NAM căn nhà, nên nếu nơi đó có đường đi, ngã ba, ngã 4, hay cửa ra vào, ao hồ… là cách Linh thần đắc thủy, nhà sẽ vượng phátvề tài lộc.

 

Hình 94: Trạch vận nhà tọa CẤN hướng KHÔN, vận 4

Tuy nhiên, không phải bất cứ nhà nào cũng có thể dùng được Phi tinh là Linh thần, mà nó đòi hỏi 1 số điều kiện như sau:

a)     Tại hướng nhà: Sơn tinh phải sinh nhập cho Hướng tinh. Như trường hợp ở thí dụ trên, hướng nhà là KHÔN (tức TÂY NAM), nơi đó có Sơn tinh 1 thuộc hành Thủy sinh cho Hướng tinh 4 thuộc hành Mộc.

b)    Tại khu vực có Phi tinh là Linh thần: Hướng tinh phải khắc chế (hay khắc nhập) được Sơn tinh. Như thí dụ trên, Linh thần là Hướng tinh số 6 (hành Kim), khắc được Sơn tinh số 3 (hành Mộc). Ngoài ra, vì dùng Linh thần tức là dụng Thủy pháp, nên chỉ có Hướng tinh mới là Linh thần, còn Vận tinh và Sơn tinh thì không kể. Lý do họ đưa ra phương pháp xử dụng Linh thần như trên là dựa theo câu văn mà Tưởng đại Hồng viết khi “bình giải” 4 câu thơ trong Thiên Ngọc kinh của Dương Quân Tùng về Linh – Chính thần, đã được nói tới trong phần đầu của đề mục này như sau:

“ÂM DƯƠNG NHỊ TỰ KHÁN LINH CHÍNH, TỌA HƯỚNG TU TRI BỆNH.  NHƯỢC NGỘ CHÍNH THẦN CHÍNH VỊ TRANG, BÁT THỦY NHẬP LINH ĐƯỜNG. LINH ĐƯỜNG CHÍNH HƯỚNG TU TIÊU HẢO, NHẬN THỦ LAI SƠN NÃO. THỦY THƯỢNG BÀI LONG ĐIỂM VỊ TRANG, TÍCH TÚC VẠN DƯ SƯƠNG.”

Theo đó, Tưởng đại Hồng đã diễn giải như sau:

“Thanh Nang, Thiên Ngọc gồm lấy vị trí Sinh – Vượng trong quẻ làm Chính thần, lấy vị trí Suy – Bại, xuất quẻ làm Linh thần, nên Âm – Dương giao cấu mà thành 2 chữ Linh – Chính. Linh – Chính không rõ ràng, Sinh – Vượng tất có bệnh vậy (linh chính bất minh, sinh vượng tất hữu bệnh hĩ). Nếu biết như vậy, mà lấy Chính thần đặt trên hướng là Sinh nhập (Nhược tri kì cố, nhi dĩ chính thần trang tại hướng thượng vi sinh nhập), lấy Linh thần đặt trên thủy là Khắc nhập (nhi dĩ linh thần trang tại thủy thượng vi khắc nhập), tức Linh Đường Chính Hướng thì mới kiêm thu được cái kỳ diệu ấy” (tắc linh đường chính hướng khởi bất kiêm thâu kì diệu hồ)”.

Dựa vào đoạn văn đó, đặc biệt là 2 câu: “lấy Chính thần đặt trên hướng là Sinh nhập, lấy Linh thần đặt trên thủy là Khắc nhập”, họ mới “khám phá” và xử dụng phương pháp trên. Với câu thứ nhất, họ cho rằng “lấy Chính thần đặt trên hướng là Sinh nhập”, tức Hướng tinh tới phía trước nhà (hay mộ) phải được Sơn tinh nằm bên cạnh sinh cho (tức được Sinh nhập). Với câu “lấy Linh thần đặt trên Thủy là khắc nhập”, họ cho rằng nơi có Hướng tinh là Linh thần cần phải khắc được Sơn tinh nằm bên cạnh. Cho nên mới nảy sinh ra phương pháp dùng Linh thần này, cũng như 2 điều kiện đã nói ở trên. Tuy nhiên, nếu xét kỹ ý nghĩa của 4 câu trong Thiên ngọc kinh, ta thấy Tưởng đại Hồng đã cố tình làm thay đổi, hoặc đảo lộn ý nghĩa nguyên thủy của nó. Nhất là câu: “NHƯỢC NGỘ CHÍNH THẦN CHÍNH VỊ TRANG, BÁT THỦY NHẬP LINH ĐƯỜNG”.

Ở đây, “Chính thần chính vị trang” có nghĩa là “bài bố chính vị theo Chính thần”, tức là phương tọa phải đặt tại phương vị của Chính thần. Lý do vì Chính thần là khu vực có vượng khí của Sơn mạch, nên nếu bài bố tọa theo khu vực của Chính thần thì mới đúng là “Chính thần chính vị trang”. Mà 1 khi bài bố như vậy thì hướng nhà (hay mộ) sẽ là khu vực của Linh thần, nên đương nhiên “thu được thủy từ 8 hướng” (BÁT THỦY NHẬP LINH ĐƯỜNG).

Ý nghĩa của câu này thật ra là dùng hình tượng của Loan đầu để diễn tả, vì khi long mạch hành tiến mà tới lúc kết huyệt thì ở phía đối diện với nó, mọi nguồn nước đều tụ hội về đó (tức Nghịch thủy). Mà phương long mạch tiến tới là Chính thần, còn phương đối nghịch với nó là Linh thần, cho nên mới nói “Bát thủy nhập Linh đường” là vì vậy. Ở đây không còn nói “LINH THẦN”, mà lại dùng chữ “LINH ĐƯỜNG”, vì “Đường” có nghĩa là ao, hồ, nên là nơi Thủy khắp nơi hội tụ về. Chính vì vậy nên khu vực của Linh thần là nơi hội tụ Thủy khí của toàn vận đó, cho nên nếu dùng nó làm CHÍNH HƯỚNG cho nhà hay mộ thì sẽ là 1 cách tốt đẹp

(LINH ĐƯỜNG CHÍNH HƯỚNG TU TIÊU HẢO).

- Thí dụ: Nhà tọa Sửu hướng Mùi, nhập trạch trong vận 8, có tinh bàn như hình dưới.

Hình 95: Trạch vận nhà tọa Sửu hướng Mùi, vận 8

Nhà này tọa ĐÔNG BẮC (SỬU), trong vận 8 là tọa nằm trong khu vực của Chính thần, lại có vượng khí của Sơn tinh số 8 cũng nằm ở phía sau nhà, nên đây chính là cách “CHÍNH THẦN CHÍNH VỊ TRANG” mà Thiên ngọc kinh nói. Còn hướng nhà nhìn về phía TÂY NAM, trong vận 8 là khu vực của Linh thần, lại được vượng khí của Hướng tinh tới hướng, nên vừa đắc Thủy của vận (vì là vị trí Linh thần), vừa đắc Thủy của Phi tinh (tức vượng khí của Hướng tinh đến phía trước), vì vậy nên mới nói “BÁT THỦY NHẬP LINH ĐƯỜNG” (nghĩa bóng là mọi nguồn thủy đều tụ tập về phía trước). Đây cũng hính là 1 cách phối hợp giữa Huyền không phi tinh với Huyền không Đại quái mà nhiều người thường hay nhắc tới, nhưng chỉ nói 1 cách mù mịt, hoặc không đầu không đuôi mà thôi. Vì Linh – Chính thần là 1 trong nhiều yếu tố của Huyền không đại quái, và sẽ được khảo sát chi tiết hơn trong chương trình của những lớp Trung cấp hoặc Cao cấp sau này.

Trở lại với lời bình chú của Tưởng đại Hồng, “lấy Chính thần đặt trên hướng là Sinh nhập, lấy Linh thần đặt trên thủy là Khắc nhập” là thật ra ông chỉ cố tình đánh lạc hướng người đọc. Vì “lấy Chính thần đặt trên hướng” phải hiểu 1 cách “méo mó” là lấy trạch vận sao cho Vượng khí của Hướng tinh tới hướng (vì vượng khí cũng là Chính thần). Còn được “sinh nhập” chỉ có nghĩa nếu đã đắc vượng khí là được những điều tốt lành, may mắn tới, chứ không có nghĩa là được sao hay hành nào khác sinh cho. Còn câu “lấy Linh thần đặt trên thủy là khắc nhập” thì thật ra, khu vực của Linh thần bao giờ cũng có vận tinh Ngũ Hoàng (số 5) tới. Thí dụ như vận 1 nếu lấy vận tinh số 1 nhập trung cung thì số 5 đến phía NAM, mà phía NAM cũng là Linh thần của vận 1. Trong vận 2 nếu lấy 2 nhập trung cung thì số 5 đến ĐÔNG BẮC, mà ĐÔNG BẮC cũng là Linh thần của vận 2. Nếu cứ làm như vậy thì trong 9 vận, khu vực của Linh thần đều có vận tinh Ngũ hoàng đến cả. Cho nên, vận tinh Ngũ hoàng là tiêu biểu cho khu vực của Linh thần. Vì vậy, khi nói “lấy Linh thần đặt trên thủy” chỉ là hàm ý nói khu vực của Linh thần có thủy, thì vận tinh Ngũ Hoàng sẽ khắc thủy (vì Ngũ Hoàng thuộc Thổ). Tuy nhiên, ông lại kết luận là “Linh Đường Chính Hướng thì mới kiêm thu được cái kỳ diệu ấy”, tức là lấy LINH ĐƯỜNG làm CHÍNH HƯỚNG như Thiên ngọc kinh đã nói. Chính vì vậy nên lời phê của Tưởng đại Hồng hết sức mơ hồ, và dễ làm cho người đọc hiểu sai ý nghĩa, để hoặc là không tìm ra manh mối, hoặc là đi tới những sai lầm. Còn cách dùng Linh thần được đưa ra ở trên là do chỉ dựa vào câu nói của Tưởng Đại Hồng, lại bám theo nó 1 cách cứng nhắc, nên mới phạm phải sai lầm. Ở đây, câu “lấy Chính thần đặt trên hướng là Sinh nhập” lại được họ hiểu là “Hướng tinh ở hướng được Sơn tinh tại đó sinh nhập” thì thật là quá gượng ép; còn câu “lấy Linh thần đặt trên thủy là Khắc nhập” thì họ cho đoạn “lấy Linh thần đặt trên thủy” là ý nói Hướng tinh được dùng làm Linh thần, như vận 7 thì dùng Hướng tinh 3 làm Linh thần, vận 8 dùng Hướng tinh 2… vì khu vực địa bàn của những số đó là Linh thần. Còn “khắc nhập” là Hướng tinh đó phải khắc được Sơn tinh nằm cùng khu vực với nó. Cho nên, cách áp dụng vừa gò bó, miễn cưỡng, lại hiểu sai 2 câu nói đó, nên làm sao có thể coi là chính pháp xử dụng Linh thần thủy được?

Tóm lại, cách xử dụng Linh thần tốt nhất là đặt tọa của nhà (hay mộ) về phía của Chính thần, còn hướng nhà về phía Linh thần, với điều kiện phải được vượng khí của Sơn tinh tới tọa, vượng khí của Hướng tinh tới hướng. Đó là cách “CHÍNH THẦN CHÍNH VỊ” nên “BÁT THỦY SẼ NHẬP LINH ĐƯỜNG” mà làm cho tiền của sung túc, có thể “TÍCH SÚC VẠN DƯ SƯƠNG” được. Nhưng cũng cần để ý là tại khu vực của Linh thần (tức hướng nhà) PHẢI CÓ CỔNG, CỬA, ĐƯỜNG ĐI HOẶC AO HỒ. Có như vậy thì tài lộc mới phát. Còn nếu nơi đó chỉ có tường vách bít kín, nhà cao, cây cối lớn, núi đồi, gò đất… thì đó là phản cục, nên gặp nhiều tai ách, và tài lộc sẽ bị phá bại.

Ngoài ra, nếu không dùng được cách đó cứ theo những cách thông thường đã được nói ở trên, tức nơi nào có Sinh – vượng khí của Hướng tinh thì đặt Thủy, nơi nào có suy, tử khí thì để khô ráo, trống không, yên tĩnh… là được. Tức nếu kết hợp được giữa Phi tinh và Huyền không đại quái là tốt nhất, còn nếu không thì chỉ theo Phi tinh cũng đủ no ấm, an lành rồi vậy.


Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

Tổng hợp 18 bài cơ bản HKPT tại đây: 

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

24 tháng 2 2023

HKPT_ BÀI 16: THƯỢNG SƠN – HẠ THỦY

 

BÀI 16

THƯỢNG SƠN – HẠ THỦY


Thanh nang Tự” viết: “Sơn thượng long thần bất hạ thủy, Thủy lý long thần bất thượng sơn”. Có nghĩa là “Long thần trên núi không được xuống nước, Long thần dưới nước không được lên núi”. Đây là 1 nguyên lý trọng yếu của Huyền Không, hay như Thẩm trúc Nhưng nói là “then chốt của cát, hung, họa, phúc”. Chữ “Long thần trên núi” ở đây là muốn ám chỉ những phi tinh của Sơn bàn (tức Sơn tinh). Cũng như chữ “Long thần dưới nước” ở đây là để ám chỉ những phi tinh của Hướng bàn (tức Hướng tinh). Cho nên, Sơn tinh không thể “xuống nước” (tức Hạ thủy), Hướng tinh không được “lên núi” (tức Thượng sơn):

·    Chính vì thế nên khí sinh, vượng của Sơn tinh cần đóng tại những nơi có núi, gò đất cao, hay có nhà cửa, cây cối cao lớn. Như thế gọi là “Sơn tinh gặp núi”, chủ người trong nhà tài giỏi, đông đúc, thành công sớm, tên tuổi vang dội...

·    Còn khí sinh, vượng của Hướng tinh cần đóng tại những nơi có sông, hồ, ao, biển, đường rộng, ngã ba, ngã tư hay cửa ra vào... Đó là những cách “Hướng tinh đắc Thủy”, nên tài lộc của gia đình sẽ không bao giờ thiếu, công việc làm ăn ổn định...

·    Ngược lại, nếu những nơi có khí sinh, vượng của Sơn tinh không có núi, nhà hoặc cây cao, nhưng có Thủy của sông, hồ, ao, biển, hoặc là những vùng thấp, trũng... sẽ chủ gia đình ly tán, cô quả, tuyệt tự hoặc yểu chiết...

·    Tương tự như thế, nếu những nơi có khí sinh, vượng của Hướng tinh không có Thủy của sông, hồ, ao, biển, đường đi hoặc cửa ra vào..., nhưng có núi hay nhà cao, cây cao thì sẽ làm cho tài lộc túng thiếu, công việc làm ăn lụn bại, gia cảnh lầm than, sa sút.

Đây chính là cách cuộc “Thượng sơn, Hạ thủy” trong Huyền không học. Cho nên, “Thượng Sơn, Hạ Thủy” thật ra chỉ là những SINH – VƯỢNG KHÍ CỦA SƠN TINH hay HƯỚNG TINH lại tới những khu vực trái ngược với bản chất của chúng mà phát sinh ra nhiều tai họa về nhân đinh hay tài lộc. Do đó, trường hợp này chỉ áp dụng cho sinh – vượng khí của Sơn – Hướng tinh mà thôi.

Còn đối với những suy – tử khí của Sơn – Hướng tinh thì chúng lại cần phải nằm tại những khu vực trái ngược với bản chất. Như Sơn tinh cần nằm tại những chỗ có Thủy hoặc thấp, trũng, Hướng tinh nằm tại những nơi có núi hay nhà cao... Có như thế mới hóa giải được mọi sát khí của chúng (hóa sát) mà chuyển nguy thành an, biến hung thành cát. Điều này sẽ được bàn đến tỉ mỉ hơn trong phần “Thu sơn, xuất sát”.

- Thí dụ: nhà hướng TÂY NAM 210 độ (tức tọa SỬU hướng MÙI), nhập trạch trong vận 8. Nếu lập trạch vận thì tinh bàn của căn nhà như sau:

 

Hình 51: trạch vận nhà hướng 210 độ (Tây Nam), vận 8

Trước hết xét về Sơn tinh, ta thấy các khu vực TÂY, TÂY BẮC và ĐÔNG BẮC của căn nhà có các số 9, 1, và 8, tức là những sinh, vượng khí của Sơn tinh (so với đương vận, tức vận 8. Nếu những khu vực này chỉ toàn là sông, hồ, hoặc đường đi, chứ không có núi hay nhà cao thì nhà này đã phạm cuộc “Hạ thủy”, chủ nhân đinh suy bại.

 

Hình 52: nhà hướng 210 độ (Tây Nam) V8, phạm cuộc “Hạ Thủy”

Nhìn vào hình trên, ta thấy căn nhà này phía ĐÔNG BẮC có Vượng khí của Sơn tinh (số 8, còn 2 phía TÂY và TÂY BẮC có sinh khí 9, 1. Nhưng phía ĐÔNG BẮC có hồ tắm, phía TÂY có ngã ba, còn phía TÂY BẮC có ao cá. Tức là mọi khu vực có sinh, vượng khí của Sơn tinh đều gặp Thủy. Vì vậy, nhà này phạm cuộc “Hạ Thủy”, chủ nhân đinh trong nhà suy bại, nên sẽ bị cô quả hay tuyệt tự, người sống trong nhà bần tiện, ngu dốt, hoặc hư hỏng, hoang đàng...

Sau đó, xét về các Hướng tinh, ta thấy những khu vực phía BẮC, NAM và TÂY NAM có các số 9, 1 và 8, tức là những sinh, vượng khí của Hướng tinh trong vận 8. Nếu những khu vực này không có Thủy, mà lại có núi đồi hay nhà cao, cây cao, thì căn nhà này còn phạm thêm cuộc “Thượng sơn”, chủ suy bại cả về tài lộc nữa.

 

Hình 53: nhà hướng 210 độ(Tây Nam), vận 8, phạm cách “Thượng Sơn”

Nhìn vào hình trên, ta thấy phía TÂY NAM của nhà này có vượng khí của Hướng tinh (số 8, 2 phía BẮC và NAM có sinh khí 9, 1. Nhưng vì phía NAM và TÂY NAM của nhà này đều gặp núi cao, còn phía BẮC lại có nhà để xe áp sát. Tức là mọi khu vực có sinh, vượng khí của Hướng tinh đều gặp núi hay nhà cao. Vì vậy, nhà này phạm cuộc “Thượng Sơn”, khiến cho tài lộc thiếu thốn, mọi công việc làm ăn đều thất bại.

Điểm cần nhấn mạnh ở đây là thông thường, người ta hay cho rằng những nhà có vượng khí của Hướng tinh đến tọa là bị “Thượng Sơn”, còn vượng khí của Sơn tinh đến phía trước là bị “Hạ thủy”, và gọi những nhà lập trạch vận theo những hướng đó là phạm “Hỏa Khanh tuyến” (tức hướng xấu hay bần tiện). Nhưng trên thực tế còn phải tùy thuộc vào bối cảnh Loan đầu bên ngoài như thế nào mới có thể kết luận là nhà đó có bị “Thượng sơn, Hạ thủy” hay không được.

Thí dụ: nhà hướng ĐÔNG BẮC 45 độ, xây và vào ở (nhập trạch) trong vận 8. Nếu lập trạch vận thì tinh bàn căn nhà sẽ như sau:

Hình 54: trạch vận nhà hướng 45 độ (Đông Bắc), vận 8

Trước hết xét về Sơn tinh, ta thấy khu vực ĐÔNG BẮC có số 8, là vượng khí của Sơn tinh tới hướng. Trên lý thuyết, điều này là phạm cuộc “Hạ thủy” (vì vượng khí của Sơn tinh tới phía trước nhà). Nhưng nếu khu vực đó không có sông, hồ, ao, biển, mà lại có núi đồi hay nhà cao, thì vượng khí của Sơn tinh đã đắc cách, tức là đóng tại chỗ có cao sơn thực địa, vì vậy nhân đinh trong nhà vẫn đông đúc, chứ không bị suy bại.

 

Hình 55: nhà hướng 45 độ (Đông Bắc), phía trước có núi

Nhìn vào hình trên, ta thấy tuy vượng khí của Sơn tinh đến phía trước nhà, nhưng vì nơi đó có núi, khiến cho Sơn tinh đóng tại chỗ cao sơn thực địa, nên sẽ khiến cho nhân đinh vượng phát. Vì vậy, trường hợp này sẽ không còn bị coi là Sơn tinh “Hạ Thủy” nữa.

Sau đó lại xét tới Hướng tinh, ta thấy khu vực phía TÂY NAM có Hướng tinh 8, tức là vượng khí của Hướng tinh tới phương tọa, nên trên lý thuyết là phạm cuộc “Thượng sơn”. Nhưng nếu khu vực này không có núi, đồi hoặc nhà cao, mà lại có Thủy hoặc đường đi, cửa ra vào... thì vượng khí của Hướng tinh vẫn đắc cách, tức là đóng tại chỗ có Thủy, nên tiền của, tài lộc của gia đình vẫn sẽ dồi dào, sung túc.

 

Hình 56: nhà hướng 45 độ (Đông Bắc), phía sau có hồ tắm (thủy)

Nhìn vào hình trên, ta thấy tuy vượng khí của Hướng tinh tới phía sau, nhưng nơi đó không có núi hay nhà cao, mà lại có hồ tắm. Vì vậy, Vượng khí của Hướng tinh vẫn đắc Thủy, nên tài lộc của gia đình này sẽ đại vượng.

Cho nên, trên lý thuyết khi vượng khí của Hướng tinh tới tọa là bị “Thượng Sơn”, vượng khí của Sơn tinh tới hướng là bị “Hạ Thủy”. Nhưng nếu địa hình bên ngoài lại có núi hay nhà cao phía trước; ao, hồ, sông, biển nơi phía sau thì nhà đó trên thực tế đã được cuộc “Vượng Sơn, Vượng Hướng” (vì vượng khí của Sơn tinh gặp núi, vượng khí của Hướng tinh đắc Thủy). Do đó, nhân đinh và tài lộc sẽ vượng phát, chứ không bị tại họa gì cả.

Vì vậy, điều quan trọng là phải phối hợp phương vị của phi tinh với địa hình bên ngoài mới có thể xác quyết được chính xác mọi trường hợp tốt, xấu, chứ không thể mới nhìn thấy 1 căn nhà có vượng khí của Hướng tinh tới phía trước, vượng khí của Sơn tinh tới phía sau mà đã vội cho là tốt. Hoặc mới thấy 1 căn nhà có vượng khí của Hướng tinh tới phía sau, vượng khí của Sơn tinh tới phía trước mà đã vội cho là căn nhà xấu thì sẽ dẫn tới những sai lầm đáng tiếc.

Một điểm cần chú ý khác là tuy Sơn tinh cai quản về nhân đinh, và cần đóng tại những chỗ cao sơn thực địa, nhưng chỉ có những sinh, vượng khí của Sơn tinh mới nên gặp núi, đồi hoặc nhà cao mà thôi. Còn những khí suy, tử của Sơn tinh thì không nên đóng ở những nơi đó, mà chỉ nên đóng ở những chỗ bằng phẳng hoặc có Thủy. Nếu chẳng may nhà lại có khí suy, tử của Sơn tinh đóng tại những chỗ cao, hoặc núi đồi thì sẽ gặp tai họa do những đối tượng đó gây ra.

- Thí dụ: cũng căn nhà hướng ĐÔNG BẮC 45 độ, nhập trạch trong vận 8 ở trên. Nhìn vào trạch vận thì thấy Sơn tinh Thất Xích (số 7) đóng nơi phía TÂY. Nếu khu vực này có núi hay nhà cao chót vót thì sẽ bị tai họa do Sơn tinh Thất xích mang tới. Vì Thất xích là biểu tượng của kẻ tiểu nhân hay giặc cướp, nên nhà này sẽ thường xuyên bị bọn trộm cướp tới phá phách, ra ngoài dễ bị kẻ tiểu nhân tìm cách hãm hại...


Hình 57: nhà hướng 45 độ (Đông Bắc), phía TÂY có nhà cao

Tương tự như thế, đối với Hướng tinh tuy cai quản về tài lộc, và cần đóng tại những chỗ thấp trũng hoặc có thủy, nhưng chỉ có những sinh, vượng khí của Hướng tinh mới cần thỏa mãn điều kiện này mà thôi. Còn đối với những suy, tử khí của Hướng tinh nếu gặp Thủy sẽ chủ gây ra những tổn thất về tiền bạc, hoặc những bệnh tật, tai họa, tùy theo tính chất của Hướng tinh đó như thế nào.

- Thí dụ: cũng căn nhà hướng 45 độ ở trên. Chiếu theo trạch vận thì khu vực phía BẮC có Hướng tinh Thất Xích (số 7) là suy khí. Mà nơi đó có ngã 3 nên cũng là 1 trường hợp Hướng tinh gặp Thủy. Chỗ này lại gần nhà, nên nếu hàng ngày có nhiều người, hoặc xe cộ qua lại thì nhà dễ bị cướp lớn, khiến cho tán gia bại sản. Nhưng nếu nơi đó vắng vẻ, yên tĩnh thì hoặc là không có tai họa, hoặc chỉ bị hao hụt tiền của vì chi tiêu hoang phí, người ngoài hay bạn bè lừa đảo, quịt nợ...

Cho nên, tác hại của Hướng tinh như thế nào là hoàn do mức độ động khí tại nơi đó là mạnh hay yếu, cũng như gần nhà hay xa nhà. Ngoài ra, cũng còn phải chú ý thêm 1 điểm nữa là vì trong thí dụ này, căn nhà có vượng khí của Sơn tinh gặp núi, vượng khí của Hướng tinh gặp Thủy của hồ tắm. Tức là nhà này đang đắc vượng khí của cả Sơn – Thủy, nên trong vận 8 sẽ bình yên, không có tai họa gì xảy ra. Chỉ đến khi sắp hết vận 8, hoặc bước sang vận 9, khi vượng khí đã biến thành suy thì lúc đó mọi tai họa mới phát sinh (hình 58).

 

Hình 58: nhà hướng 45 độ , Vận 8, phía BẮC có ngã ba

Vì vậy, đối với những Hướng tinh là khí suy, tử thì lại nên đóng ở những chỗ cao ráo hoặc yên tĩnh, có như thế mới tránh nổi tai họa. Ngược lại, nếu khí suy, tử của Sơn tinh mà còn đóng ở những nơi có núi hay nhà cao, khí suy tử của Hướng tinh đóng ở những nơi có thủy hoặc cửa nẻo ra vào nhà, tức là cảnh “HUNG TINH ĐẮC CÁCH”, tai họa sẽ khủng khiếp chẳng kém gì cách cục “Thượng Sơn, Hạ Thủy”.

 

Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

Tổng hợp 18 bài cơ bản HKPT tại đây: 

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

Bài viết nổi bật:

PHONG THỦY NĂM GIÁP THÌN (2024)