Tìm kiếm Blog này

31 tháng 12 2022

PT Ứng dụng - Tân An Táo

 

Tân An Táo



Trong phong thủy, Lò bếp / Bếp rất được coi trọng. Bếp là nơi nấu các thức ăn , đối với sức khỏe của các thành viên trong gia đình rất là quan trọng, có thể nói tất cả họa phúc bệnh tật đều từ đó mà ra. Sự bố trí lò bếp cần được quan tâm trước tiên mà nhiều người học phong thủy chỉ luận hướng mà không luận vị trí, đây là 1 suy nghĩ sai lầm. Sau đây là 1 bài viết TÂN AN TÁO được tác giả Thế Anh chia sẽ đến các bạn tầm quan trọng của “VỊ trí đặt BẾP” mà các bạn cần chú ý:

·   Hai bên Táo vị không thể có cửa xung, phía dưới bếp không thể để đặt các vật hôi thối lâu ngày, kể cả các đồ ăn nên men, ngâm tẩm.

·   Bệ bếp không thể đặt ở chố trống trải (Trên không dưới không).

·   Bệ bếp không nên để gần sát ngay bể nước.

·   Bệ bếp không để chính đối diện với bể nước.

·   Bệ bếp không để trên hầm chứa chất thải nhà vệ sinh (Hay bệnh tật).

·   Bệ bếp không để trên cống rãnh .

·   Bệ bếp không đặt trên đường ống nước, nhà vệ sinh.

·   Bệ bếp không tựa sát vào nhà vệ sinh, không đối diện với bồn cầu.

·   Bệ bếp không đối diện với cửa phòng. (Nhất là phòng người già)

·   Bệ bếp không được đối xung với ban thờ. (Hay gặp tranh cãi)

·   Bệ bếp nên đặt chỗ kín gió tụ khí.

·   Bệ bếp không nên ngược với hướng tọa của phòng ( Tức mặt người hướng ra ngoài nhà).

·   Bệ bếp mặt nên hướng cùng hướng nhà, chủ người trong nhà hòa hiệp đồng tâm.

·  Đối với bếp cũ không dùng thì nên bỏ đi, trong nhà sẽ bình an. Lúc bỏ bếp nên dùng tiền vàng bỏ vào giờ Mão. Đốt hương phụng thỉnh Táo Quân Bản Gia. Đốt tiền vàng xong đi vào bếp, vẩy vước ( Nước vo gạo lần hai) vảy đều khắp.

·   Táo Vị tốt nhất an tại Thanh Long phương ( Bên trái) là cát ( Con cháu thông minh).

·   Táo không nên đặt tại phương Bạch hổ, nếu bất đắc dĩ cũng tạm được.

·   Táo Vị tốt nhất không nên an tại trung tâm phòng.

·   Bếp nên an phóng xuôi theo hướng nhà hoặc vuông góc, tuyệt đối không an chéo góc so với hướng nhà.

·   Hiện nay có một số loại bếp không có miệng bếp, cho nên không cần quá lo về hướng bếp, cũng không cần quá lo về phương vị của mệnh, nếu không sẽ thành vẽ rắn thêm chân, mỗi bước mỗi khó, tự chuốc phiền não.


Thế Anh trích dịch.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết : BẾP TRONG PHONG THỦY 

------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 0903399208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui 

------------------------------------------------------------

25 tháng 12 2022

HKPT_Bài 12: PHƯƠNG PHÁP LẬP TINH BÀN

 

BÀI 12

PHƯƠNG PHÁP LẬP TINH BÀN

(HAY TRẠCH VẬN)

 

1/ XÁC ĐỊNH THỜI VẬN CỦA CĂN NHÀ:

Muốn lập tinh bàn (hay trạch vận) cho 1 căn nhà (hay 1 ngôi mộ), vấn đề trước tiên là phải biết căn nhà hay ngôi mộ đó được xây dựng trong năm, tháng nào? Rồi dựa vào bảng Tam Nguyên Cửu Vận gần đây nhất mà xác định nhà đó thuộc vận nào?

- Thí dụ: 1 căn nhà được xây xong vào tháng 6 năm 1984. Nếu nhìn vào bảng Tam Nguyên Cửu Vận gần đây thì thấy Vận 7 bắt đầu từ 1984 và kết thúc vào cuối năm 2003, cho nên biết nhà đó thuộc vận 7 Hạ Nguyên.

Nhưng việc xác định nhà thuộc vận nào trở nên rắc rối và phức tạp, khi 1 căn nhà đã xây xong khá lâu, sau đó được chủ nhà tu sửa hay xây lại nhiều lần. Hoặc sau khi xây xong thì nhà thay đổi chủ... Đối với những trường hợp trên, việc xác định căn nhà thuộc vận nào là tùy thuộc vào những yếu tố sau đây:

- Nếu sau khi vào ở 1 thời gian, chủ nhà hoặc là dỡ mái lợp lại (nếu là nhà trệt), hoặc là tu sửa quá 1/3 diện tích căn nhà, hoặc là đập đi xây mới thì căn nhà sẽ không còn thuộc về vận cũ (tức lúc mới xây hay dọn vào ở), mà sẽ đổi qua vận khác (là lúc gia chủ thực hiện những việc tu sửa trên).

- Nếu nhà được đổi chủ (vì bán hoặc cho thuê) thì trạch vận cho chủ mới phải dựa vào thời điểm họ dọn vào nhà này ở, chứ không dựa vào thời điểm lúc căn nhà mới xây.

- Nếu 1 căn nhà được đổi chủ nhiều lần, thì trạch vận cho mỗi người chủ là dựa vào thời điểm người đó dọn vào ở.

- Thí dụ: Cũng lấy căn nhà ở trên, xây xong và dọn vào ở tháng 6 năm 1984, nên thuộc vận 7. Đến năm 2000, người chủ đó bán nhà cho 1 người khác. Khi người này dọn vào ở trong năm đó thì trạch vận căn nhà vẫn thuộc vận 7 (vì vận 7 bắt đầu từ năm 1984 và kết thúc vào cuối năm 2003). Người này ở tới năm 2005 rồi lại bán nhà đi nơi khác, nên khi người chủ mới dọn vào thì trạch vận của căn nhà lúc đó sẽ thuộc về Vận 8 (vì Vận 8 bắt đầu từ năm 2004 và kết thúc vào cuối năm 2023). Cho nên tùy thời điểm mà gia chủ dọn vào nhà là thuộc vận nào mà tính trạch vận cho họ thuộc vận đó.

- Đối với những căn nhà vừa tu sửa như trường hợp 1, vừa thay đổi chủ như trường hợp 2 thì trường hợp nào xảy ra gần nhất thì trạch vận của căn nhà sẽ thuộc về Vận đó.

- Thí dụ: cũng căn nhà xây năm 1984 (thuộc vận 7), sau đó bán lại cho người khác vào năm 2000 (vẫn thuộc vận 7). Nhưng đến năm 2004 thì người này tu sửa nhà lại, nên lúc đó sẽ thuộc về vận 8. Đến khi người đó bán nhà vào năm 2005 thì căn nhà cũng vẫn thuộc vận 8 đối với chủ mới.

- Đối với những căn nhà tuy không đổi chủ hay được tu sửa, nhưng nếu chủ nhà đóng cửa đi vắng 1 thời gian từ hơn 1 tháng trở lên, đến khi họ trở về thì căn nhà sẽ thuộc về Vận vào lúc họ trở về, chứ không còn thuộc về Vận cũ nữa.

- Thí dụ: cũng lấy thí dụ nhà xây năm 1984, người chủ sau khi mua thì dọn vào ở được hơn 20 năm. Tới năm 2005, người đó có công chuyện phải đi xa hơn 2 tháng. Như vậy, khi người này trở về thì lúc đó căn nhà sẽ chuyển sang Vận 8, chứ không còn thuộc về Vận 7.

- Đối với những căn nhà được xây, hay dọn vào ở trong những năm cuối của 1 vận, trạch vận của nó thường sẽ thuộc về vận mới, chứ cũng không thuộc về vận cũ.

- Thí dụ: nhà được xây hay được dọn vào ở năm 2003, tức là năm cuối cùng của Vận 7 thì trạch vận sẽ thuộc về Vận 8, chứ không thuộc về Vận 7.

- Riêng với âm phần (mồ mả), trạch vận được tính vào lúc ngôi mộ mới được xây, hoặc lúc sau này khi con cháu cải táng hay tu sửa mộ bia lại. Chẳng hạn như 1 ngôi mộ được dựng lên vào năm 1987 nên thuộc Vận 7. Đến năm 2006, con cháu xây mộ, thay bia lại thì lúc đó mộ sẽ thuộc về Vận 8.

 

2/ PHƯƠNG PHÁP LẬP TINH BÀN:

Sau khi đã được xác định nhà (hay mộ) thuộc Vận nào rồi mới có thể lập tinh bàn cho căn nhà (hay phần mộ đó). Nhưng trước hết lấy 1 tờ giấy trắng vẽ 1 ô vuông lớn, sau đó chia ô vuông đó ra làm 9 ô nhỏ, với 8 ô chung quanh tiêu biểu cho 8 hướng: BẮC, ĐÔNG BẮC, ĐÔNG, ĐÔNG NAM, NAM, TÂY NAM, TÂY, và TÂY BẮC. Riêng ô giữa được coi là trung cung.


Sau đó mới có thể tiến hành việc lập tinh bàn như sau:

a/ Lập vận bàn: muốn lập Vận bàn thì lấy số của Vận mà căn nhà (hay ngôi mộ) đó thuộc về đem nhập trung cung (nhưng an ở trên cao và chính giữa), rồi di chuyển THUẬN theo vòng Lượng thiên Xích.

- Thí dụ: nhà xây năm 1984 tức thuộc Vận 7. Như vậy, lấy số 7 nhập trung cung, sau đó theo chiều thuận an số 8 tại phía TÂY BẮC, số 9 tại phía TÂY, số 1 tại phía ĐÔNG BẮC, số 2 phía NAM, số 3 phía BẮC, số 4 phía TÂY NAM, số 5 phía ĐÔNG, số 6 phía ĐÔNG NAM. Bảng an vận bàn cho vận 7


* Chú ý: tất cả những số đó đều được gọi là “Vận tinh” (tức phi tinh của Vận) của căn nhà này. Điều nên nhớ khi lập Vận bàn là phi tinh chỉ di chuyển “THUẬN”, tức là từ số nhỏ lên số lớn, chứ không bao giờ di chuyển “NGHỊCH” từ số lớn xuống số nhỏ hơn.

 

b/ Lập Sơn bàn: theo thuật ngữ Phong thủy, “Sơn” (có nghĩa là núi) dùng để chỉ khu vực phía sau nhà (tức phương “tọa”). Cho nên, sau khi đã an Vận bàn thì nhìn xem số nào tới khu vực phía sau của căn nhà. Lấy số đó đem nhập trung cung, nhưng để tại góc dưới mé bên trái. Lúc này cần phải biết tọa của căn nhà thuộc sơn nào, rồi PHỐI HỢP với Tam Nguyên Long của Vận tinh tới phương tọa để quyết định di chuyển theo chiều “THUẬN” hay “NGHỊCH”.


- Thí dụ: nhà có hướng là 0 độ thì phương tọa sẽ là 180 độ (vì tọa bao giờ cũng xung với hướng, nên cách nhau 180 độ). Như vậy căn nhà này sẽ là tọa NGỌ hướng TÝ. Nếu xây năm 1984 (tức thuộc Vận 7), thì lấy số 7 nhập trung cung di chuyển Thuận như đã nói ở trên, nên số 2 tới phía NAM (tức phương tọa của nhà này).

Khi bắt đầu lập Sơn bàn thì lấy số 2 nhập trung cung (để ở góc dưới mé bên trái). Nhưng muốn biết nó sẽ xoay chuyển “THUẬN” hay “NGHỊCH” thì phải xem sơn nào của số 2 trùng với tọa của căn nhà?

Vì số 2 (tức hướng TÂY NAM) có 3 sơn là MÙI – KHÔN – THÂN, với MÙI thuộc âm và KHÔN – THÂN thuộc dương trong Tam nguyên Long.

Mà tọa của căn nhà ở phía NAM. Phía NAM cũng có 3 sơn là BÍNH – NGỌ – ĐINH.

Vì số 2 tới phía NAM, nên lấy 3 sơn MÙI – KHÔN – THÂN của nó áp đặt lên 3 sơn BÍNH – NGỌ – ĐINH của phương này.

Nhưng do tọa của căn nhà nằm tại sơn NGỌ, tức trùng với sơn KHÔN của số 2. Mà KHÔN thuộc Dương trong Tam Nguyên Long, nên lấy 2 nhập trung cung rồi di chuyển theo chiều “THUẬN”, tức 3 tới TÂY BẮC, 4 tới TÂY, 5 tới ĐÔNG BẮC, 6 tới NAM, 7 tới BẮC, 8 tới TÂY NAM, 9 tới ĐÔNG, 1 tới ĐÔNG NAM.

Tất cả những số này đều được gọi là “Sơn tinh”, với sơn tinh số 6 nằm tại phương tọa (tức phía NAM) của căn nhà. Mọi Sơn tinh đều được an tại góc phía dưới bên trái của mỗi cung, để tiện phân biệt giữa chúng với “Vận tinh” và “Hướng tinh”, như hình dưới.


c/ Lập hướng bàn: sau khi đã an xong “Sơn bàn” thì bắt đầu lập Hướng bàn. Việc lập Hướng bàn cũng tương tự như Sơn bàn, tức tìm “Vận tinh” tới phía trước nhà là số nào? Lấy số đó đem nhập trung cung, nhưng để nơi góc phía dưới, mé bên phải.

Sau đó cũng phải xác định hướng của căn nhà thuộc sơn nào? Và nó trùng với sơn nào của vận tinh tới hướng? Rồi xem sơn đó (của vận tinh) thuộc dương hay âm trong Tam nguyên Long mà quyết định di chuyển “THUẬN” hay “NGHỊCH”.

- Thí dụ: cũng căn nhà tọa NGỌ hướng TÝ, nhập trạch trong Vận 7 ở trên thì thấy Vận tinh số 3 tới hướng.

Vì số 3 gồm 3 sơn GIÁP – MÃO – ẤT, với GIÁP thuộc dương, còn MÃO – ẤT thuộc âm trong Tam Nguyên Long. Còn hướng nhà nằm về phía BẮC, cũng có 3 sơn là NHÂM – TÝ – QUÝ.

Đem áp đặt 3 sơn GIÁP – MÃO – ẤT của số 3 lên 3 sơn NHÂM – TÝ – QUÝ của phía BẮC.

Vì hướng của căn nhà thuộc sơn TÝ, trùng với sơn MÃO của số 3. Mà MÃO thuộc âm trong Tam nguyên Long, nên lấy 3 nhập trung cung rồi di chuyển theo chiều ”NGHỊCH”, nên 2 tới TÂY BẮC, 1 tới TÂY, 9 tới ĐÔNG BẮC, 8 tới NAM, 7 tới BẮC, 6 tới TÂY NAM, 5 tới ĐÔNG, 4 tới ĐÔNG NAM.

Tất cả những số này đều được gọi là “Hướng tinh” (tức phi tinh của Hướng) của trạch vận. Vì hướng tinh số 7 nằm ở phía trước, nên trong Vận 7 thì nhà này được “Vượng tinh tới hướng”, do đó được xem là 1 căn nhà tốt. Mọi Hướng tinh đều được an tại góc phía dưới mé bên phải của mỗi cung như bảng dưới.



Sau khi đã lập “Vận bàn” , “Sơn bàn” và “Hướng bàn”, chúng ta sẽ xác định được vị trí của mọi Vận tinh, Sơn tinh và Hướng tinh. Đây chính là TRẠCH VẬN của 1 căn nhà hay 1 phần mộ (bảng trên). Như vậy, 1 trạch vận gồm có 3 tinh bàn: Vận bàn, Sơn bàn và Hướng bàn, với mỗi cung có 3 số (hay 3 sao) là Vận tinh, Sơn tinh và Hướng tinh. Kết hợp nó với địa thế chung quanh và cấu trúc bên trong của 1 căn nhà, người học Phong thủy Huyền Không sẽ có thể phán đoán chính xác mọi diễn biến tốt, xấu đã, đang và sẽ xảy ra cho căn nhà đó.

Một trường hợp thường gặp là khi an Vận bàn, sao Ngũ Hoàng (số 5) sẽ đến phương tọa hay hướng của 1 căn nhà. Vì số 5 nguyên thủy là thuộc trung cung, nên không có phương vị như những số khác. Do đó, trong những trường hợp này thì phải xem phương tọa hay hướng của căn nhà thuộc sơn nào.

Rồi tùy theo sơn đó là dương hay âm trong Tam nguyên Long mà đem số 5 nhập trung cung để xoay chuyển THUẬN hay NGHỊCH.

- Thí dụ: nhà hướng 180 độ (tức tọa TÝ hướng NGỌ), dọn vào ở trong Vận 1. Nếu an Vận bàn thì lấy số 1 nhập trung cung xoay thuận, nên 2 đến TÂY BẮC, 3 đến TÂY, 4 đến ĐÔNG BẮC, 5 đến NAM... như hình dưới.


Như vậy, vận tinh số 5 đến phía NAM, tức hướng nhà. Nếu muốn lập Hướng bàn thì phải xem hướng nhà thuộc sơn gì? Vì hướng nhà này thuộc sơn NGỌ, mà NGỌ thuộc âm trong Tam nguyên Long, nên lấy 5 nhập trung cung xoay NGHỊCH thì 4 đến TÂY BẮC, 3 đến TÂY, 2 đến ĐÔNG BẮC, 1 đến NAM... như hình dưới.



Sau cùng, điều cần nhớ khi lập Sơn bàn hay Hướng bàn là nếu tọa hay hướng nhà trùng với “sơn” DƯƠNG của Vận tinh thì di chuyển “THUẬN”, nếu trùng với “sơn” ÂM của vận tinh thì di chuyển “NGHỊCH”. Tức sự di chuyển “THUẬN” hay “NGHỊCH” của Sơn và Hướng tinh hoàn toàn là do tọa hay hướng nhà trùng với “sơn” DƯƠNG hay ÂM của Vận tinh mà thôi. Ngoài ra, chỉ có việc lập tinh bàn cho Sơn và Hướng tinh mới có trường hợp di chuyển theo chiều “NGHỊCH”. Còn tất cả các trường hợp khác thì phi tinh đều di chuyển theo chiều “THUẬN” tức là từ số nhỏ lên số lớn hơn.

 


Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 0903399208
------------------------------------------------------------

24 tháng 12 2022

HKPT_Bài 11: 24 SƠN (HƯỚNG) & TAM NGUYÊN LONG

 

BÀI 11

24 SƠN (HƯỚNG) & TAM NGUYÊN LONG

 

1/ 24 SƠN (HƯỚNG) TRÊN LA BÀN:

Hậu thiên Bát quái của Văn Vương chia phương hướng ra làm 8 phần đều nhau, với mỗi hướng đi liền với 1 con số của Cửu tinh là: BẮC (số 1), ĐÔNG BẮC (số 8), ĐÔNG (số 3), ĐÔNG NAM (số 4), NAM (số 9), TÂY NAM (số 2), TÂY (số 7), TÂY BẮC (số 6). Riêng số 5 vì nằm ở chính giữa (trung cung) nên không có phương hướng. Đem áp đặt Hậu thiên Bát quái lên la bàn gồm 360 độ, thì mỗi hướng (hay mỗi số) sẽ chiếm 45 độ. (Hình 11)

 

Vào thời kỳ phôi phai của học thuật Phong thủy (nhà Chu), việc phân chia la bàn thành 8 hướng như vậy đã được kể là quá tinh vi và chính xác. Nhưng sau này, khi Phong thủy đã có những bước tiến vượt bậc dưới thời Đường – Tống, khoảng cách 45 độ được xem là quá lớn và sai lệch quá nhiều. Để cho chính xác hơn, người ta lại phân chia mỗi hướng ra thành 3 hướng nhỏ đều nhau, nên mỗi hướng nhỏ chiếm 15 độ. Như vậy, trên la bàn lúc này đã xuất hiện 24 Hướng (hay Sơn). Người ta lại dùng 12 Địa Chi, 8 Thiên Can (đúng ra là 10, nhưng 2 Can Mậu – Kỷ được quy về trung cung cho Ngũ Hoàng nên chỉ còn 8 Can cho phương hướng) và 4 quẻ Càn – Khôn – Cấn – Tốn mà đặt tên cho 24 hướng như sau:

      - Hướng BẮC (số 1):  chia thành 3 hướng NHÂM – TÝ – QÚY

      - Hướng ĐÔNG BẮC (số 8): chia thành 3 hướng SỬU – CẤN – DẦN

      - Hướng ĐÔNG (số 3): chia thành 3 hướng GIÁP – MÃO – ẤT

      - Hướng ĐÔNG NAM (số 4): chia thành 3 hướng THÌN – TỐN – TỴ

      - Hướng NAM (số 9): chia thành 3 hướng BÍNH – NGỌ – ĐINH

      - Hướng TÂY NAM (số 2): chia thành 3 hướng MÙI – KHÔN – THÂN

      - Hướng TÂY (số 7): chia thành 3 hướng CANH – DẬU – TÂN

      - Hướng TÂY BẮC (số 6): chia thành 3 hướng TUẤT – CÀN – HỢI


Tất cả những hướng trên đều được đi theo thứ tự từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ. Chẳng hạn như khi nói hướng BẮC (tức số 1) chia thành 3 hướng là NHÂM – TÝ – QUÝ, tức là hướng NHÂM chiếm 15 độ phía bên trái, hướng TÝ chiếm 15 độ nơi chính giữa, còn hướng QUÝ thì chiếm 15 độ phía bên phải. Tất cả mọi hướng khác cũng đều theo thứ tự như thế. 

Hình 10: tọa độ của 24 hướng trên la bàn



Để việc xác định mỗi hướng được dễ dàng, dưới đây là tọa độ chính giữa của 24 hướng. Từ tọa độ đó, người ta có thể tìm ra vị trí của mỗi hướng là từ đâu tới đâu trên la bàn, bằng cách đi ngược sang bên trái, cũng như sang bên phải của tọa độ trung tâm, mỗi bên là 7 độ 5 (vì một hướng chỉ có 15 độ).

- Thí dụ: hướng MÙI có tọa độ trung tâm là 210 độ. Nếu đi ngược sang bên trái 7 độ 5 (tức trừ đi 7 độ 5) thì được 202 độ 5. Nếu đi thuận qua phải 7 độ 5 (tức cộng thêm 7 độ 5) thì được 217 độ 5. Như vậy, hướng MÙI sẽ bắt đầu từ 202 độ 5 và chấm dứt tại 217 độ 5 trên la bàn (xem hình 12).

- Chính hướng và kiêm hướng: một vấn đề làm cho người mới học Phong thủy khá bối rối là vấn đề Chính Hướng và Kiêm Hướng. Thật ra, điều này cũng không có gì là khó, vì khi đo hướng nhà (hay mộ), nếu thấy nằm tại tọa độ trung tâm của 1 hướng (bất kể là hướng nào) thì đều được coi là Chính Hướng. Còn nếu không đúng với tọa độ tâm điểm của 1 hướng thì được coi là Kiêm Hướng. Kiêm hướng lại chia ra là kiêm bên phải hoặc kiêm bên trái, và kiêm nhiều hay kiêm ít. Nếu kiêm bên phải hoặc bên trái thì hướng nhà không được xem là thuần khí nữa, vì đã lấn sang hướng bên cạnh (điều này sẽ được nói rõ hơn trong phần Tam nguyên long). Nói kiêm phải hay kiêm trái là lấy tọa độ chính giữa của mỗi hướng làm trung tâm mà tính.

- Thí dụ: hướng MÙI có tọa độ chính giữa là 210 độ, nếu 1 căn nhà có hướng 215 độ thì nhà đó thuộc hướng MÙI, nhưng kiêm bên phải 5 độ (vì nó lệch sang bên phải của tọa độ trung tâm 5 độ). Nhưng trong thuật ngữ Phong thủy, người ta không nói kiêm phải hoặc trái, mà lại dùng tên của những hướng được kiêm để gọi nhập chung với hướng của ngôi nhà đó. Như trường hợp này là nhà hướng MÙI kiêm phải 5 độ, nhưng vì hướng bên phải của hướng MÙI là hướng KHÔN, nên sẽ nói nhà này “hướng MÙI kiêm KHÔN 5 độ”.

Với vấn đề kiêm nhiều hay ít thì nếu hướng nhà chỉ lệch sang bên phải hoặc bên trái khoảng 3 độ so với tọa độ chính giữa của 1 hướng thì được coi là kiêm ít, và vẫn còn giữa được thuần khí của hướng. Nếu lệch quá 3 độ so với trung tâm của 1 hướng sẽ được coi là lệch nhiều, nên khí lúc đó không thuần, mà bị nhận nhiều tạp khí. Những trường hợp này cần được dùng Thế quái (hay số thế, sẽ nói trong 1 phần khác) để hy vọng đem được vượng khí tới hướng hầu biến hung thành cát.


2/ TAM NGUYÊN LONG:

Sau khi đã biết được 24 sơn (hay hướng) thì còn phải biết chúng thuộc về Nguyên nào, và là dương hay âm, để có thể xoay chuyển phi tinh Thuận hay Nghịch khi lập trạch vận. Nguyên này không phải là “Nguyên” chỉ thời gian như đã nói trong “Tam Nguyên Cửu Vận”, mà là chỉ địa khí của long mạch, hay phương hướng của trái đất mà thôi. Tam nguyên long được chia ra làm Thiên nguyên, Địa nguyên và Nhân nguyên, với mỗi Nguyên bao gồm 8 sơn (hay 8 hướng). Trong 8 sơn đó lại có 4 sơn dương và 4 sơn âm như sau:

- THIÊN NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn:

      * 4 sơn dương: CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN.

      * 4 sơn âm: TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU.

- ĐỊA NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn:

      * 4 sơn dương: GIÁP, CANH, NHÂM, BÍNH.

      * 4 sơn âm: THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI.

- NHÂN NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn:

      * 4 sơn dương: DẦN, THÂN, TỴ, HỢI.

      * 4 sơn âm: ẤT, TÂN, ĐINH, QUÝ.

 

Với sự phân định âm hay dương của mỗi hướng như trên, người ta có thể biết được lúc nào phi tinh sẽ đi thuận hoặc đi nghịch khi xoay chuyển chúng theo vòng LƯỢNG THIÊN XÍCH. (điều này sẽ được nói rõ trong phần “Lập tinh bàn cho trạch vận” ở 1 mục khác).

Ngoài ra, nếu nhìn kỹ vào sự phân chia của Tam nguyên Long, ta thấy trong mỗi hướng của Bát quái (BẮC, NAM, ĐÔNG, TÂY...) tuy được chia ra thành 3 hướng nhỏ, nhưng đều bao gồm đủ Thiên, Địa và Nhân nguyên long ở trong đó.

- Thí dụ: hướng BẮC được chia thành 3 hướng nhỏ là NHÂM – TÝ – QUÝ, với NHÂM thuộc Địa nguyên long, TÝ thuộc Thiên nguyên long, và QUÝ thuộc Nhân nguyên long. Tất cả các hướng còn lại cũng đều như thế, nghĩa là Thiên nguyên long ở chính giữa, Địa nguyên long nằm bên phía tay trái, còn Nhân nguyên long nằm bên phía tay phải. Từ đó người ta mới phân biệt ra Thiên nguyên long là quẻ Phụ mẫu, Địa nguyên long là Nghịch tử (vì nằm bên trái của Thiên nguyên long tức là nghịch chiều xoay chuyển của vạn vật), còn Nhân nguyên long là Thuận tử (vì nằm bên tay phải, tức là thuận chiều). Trong 3 quẻ Thiên – Địa – Nhân long thì Thiên nguyên và Nhân nguyên là có thể kiêm được với nhau (vì là giữa Phụ mẫu và Thuận tử, và cùng âm – dương với nhau). Điều này có nghĩa là khi hướng nhà thuộc Thiên nguyên thì không bắt buộc phải nằm ở chính giữa hướng đó mới được thuần khí, mà có thể kiêm sang phía Nhân nguyên mà khí vẫn không bị pha tạp. Tương tự như thế, nhà hướng thuộc Nhân nguyên cũng có thể kiêm sang bên Thiên nguyên. Còn Địa nguyên long chỉ có thể đứng 1 mình, chứ không thể kiêm sang bên phải (Phụ mẫu), hay bên trái (Thuận tử). Nếu kiêm Phụ mẫu là âm – dương sai lạc (tức khác biệt về âm – dương, còn gọi là “sai thố”). Nếu kiêm thuận tử thì sẽ bị Xuất quái (tức ra khỏi hướng).

- Thí dụ 1: nhà hướng 205 độ. Vì ở trong khoảng 202 độ 5 – 217 độ 5 nên nhà này thuộc hướng MÙI, nhưng lệch sang phía bên trái 5 độ, tức kiêm hướng ĐINH 5 độ. Nhưng MÙI thuộc Địa nguyên long (tức Nghịch tử), chỉ có thể lấy chính hướng (210 độ) chứ không thể kiêm, cho nên trường hợp này là phạm Xuất quái (tức gần như ra khỏi phạm vi của hướng TÂY NAM mà vào hướng NAM), nên chủ tai họa, bần tiện (sẽ nói thêm trong những phần sau). Nếu nhất thời đắc vượng khí đến hướng (sẽ nói trong mục “VƯỢNG SƠN, VƯỢNG HƯỚNG”) thì tạm yên ổn 1 thời gian, nhưng khi vượng khí đã hết hiệu lực thì tai họa sẽ liên tiếp xảy ra.

- Thí dụ 2: Ngược lại, 1 căn nhà có hướng 185 độ, tức hướng NGỌ kiêm ĐINH 5 độ. Vì NGỌ là quẻ Phụ mẫu, kiêm sang bên phải là kiêm Thuận tử, nên nhà như thế vẫn tốt chứ không xấu.

Đây là 1 trong những yếu tố căn bản và quan trọng của Huyền không Học, cần phải biết và phân biệt rõ ràng. Có như vậy mới biết được tuy 2 nhà cùng 1 trạch vận, nhưng 1 nhà thì làm ăn khá, mọi người sang trọng, có khí phách, còn nhà kia chỉ bình thường, hoặc con người nhỏ mọn, xảo trá... Cho nên sự quý, tiện của 1 căn nhà phần lớn là do có biết chọn đúng hướng hoặc biết kiêm hướng hay không mà ra. Điều này sẽ được nói rõ hơn trong phần “Phương pháp chọn hướng nhà” ở những bài sau..


Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

22 tháng 12 2022

HKPT_Bài 10: TAM NGUYÊN, CỬU VẬN TRONG HUYỀN KHÔNG HỌC

 

BÀI 10

TAM NGUYÊN, CỬU VẬN TRONG HUYỀN KHÔNG HỌC


Đối với Phong thủy Huyền Không, ngoài vấn đề quan sát địa hình bên ngoài, cấu trúc, thiết kế bên trong căn nhà, thì còn cần phải nắm vững được mấu chốt của thời gian để đoán định từng giai đoạn thịnh, suy, lên, xuống của 1 trạch vận (nhà ở hay phần mộ). Nhưng thời gian là 1 chuyển biến vô hình, chỉ có đi, không bao giờ trở lại, thế thì lấy gì làm căn mốc để xác định thời gian? Để giải quyết vấn đề này, người xưa đã dùng cách chia thời gian ra thành từng Nguyên, Vận. Một Nguyên là giai đoạn dài 60 năm, hay 1 Lục thập Hoa Giáp. Mỗi Nguyên lại được chia thành 3 vận, mỗi vận kéo dài khoảng 20 năm. Mặt khác, cổ nhân còn định ra Tam Nguyên là:

     - THƯỢNG NGUYÊN: gồm 3 VẬN 1 – 2 – 3.

     - TRUNG NGUYÊN: gồm 3 VẬN 4 – 5 – 6.

     - HẠ NGUYÊN: gồm 3 VẬN 7 – 8 – 9.

Như vậy, Tam Nguyên Cửu Vận tức là 3 Nguyên: Thượng, Trung, Hạ, trong đó bao gồm 9 Vận, từ Vận 1 tới Vận 9. Tổng cộng là chu kỳ 180 năm, từ Vận 1 (bắt đầu vào năm GIÁP TÝ) đi hết 3 Nguyên (tức 9 Vận) rồi lại trở về Vận 1 của Thượng Nguyên lúc ban đầu. Cứ như thế xoay chuyển không ngừng. Còn sở dĩ người xưa lại dùng chu kỳ 180 năm (tức Tam Nguyên Cửu Vận) làm mốc xoay chuyển của thời gian là vì các hành tinh trong Thái Dương hệ cứ sau 180 năm lại trở về cùng nằm trên 1 đường thẳng. Đó chính là năm khởi đầu cho Vận 1 của Thượng Nguyên. Dùng đó làm mốc để tính thời gian, người ta có thể suy ra Tam Nguyên Cửu Vận gần đây nhất là:

** THƯỢNG NGUYÊN

     - Vận 1: từ năm 1864 – 1883

     - Vận 2: từ năm 1884 – 1903

     - Vận 3: từ năm 1904 – 1923

** TRUNG NGUYÊN

     - Vận 4: từ năm 1924 – 1943

     - Vận 5: từ năm 1944 – 1963

     - Vận 6: từ năm 1964 – 1983

** HẠ NGUYÊN

     - Vận 7: từ năm 1984 – 2003

     - Vận 8: từ năm 2004 – 2023

     - Vận 9: từ năm 2024 – 2043

Như vậy, năm 2043 là năm cuối cùng của vận 9 Hạ Nguyên. Vì vậy, vào năm 2044 (tức năm GIÁP TÝ) thì sẽ trở về vận 1 của Thượng Nguyên, cứ như thế xoay chuyển mãi không ngừng. Điều quan trọng cho những ai mới học Huyền Không phi tinh là phải biết rõ năm nào thuộc Vận và Nguyên nào. Chẳng hạn như năm 1980 là thuộc về vận 6 Trung Nguyên, vì nó nằm trong giai đoạn từ năm 1964 – 1983. Hoặc như năm 1991 là thuộc về vận 7 Hạ Nguyên, vì nó nằm trong giai đoạn từ năm 1984 – 2003. Cho nên, những nhà cửa hay phần mộ xây trong năm 1991 đều thuộc về vận 7 Hạ Nguyên, hay những nhà xây năm 1980 đều thuộc về vận 6 Trung Nguyên. Có nắm vững được điều này thì mới có thể thiết lập trạch vận cho nhà cửa hay mộ phần được.

BẢNG TRA TAM NGUYÊN – CỬU VẬN SAU CÔNG NGUYÊN (Hình)

Ngoài ra, trong Huyền Không thì 1 giai đoạn dài 60 năm được gọi là 1 “Đơn Nguyên”. Ba “Đơn Nguyên” (tức Tam Nguyên, hay giai đoạn dài 180 năm) được gọi là 1 “Chính Nguyên”. Ba “Chính Nguyên” (tức giai đoạn dài 540 năm) được gọi là 1 “Đại Nguyên”. Những con số này cần phải được ghi nhớ để đoán định vận khí dài, ngắn cho dương trạch hoặc âm trạch. Nếu nhà chỉ đắc được vượng khí của Phi tinh thì vận số chỉ kéo dài trong khoảng 20 năm (1 vận). Nếu đắc hết cả sinh – vượng khí thì có thể kéo dài tới 60 năm (1 Đơn Nguyên). Nếu 2 bên có Thành môn thì vận khí sẽ được 180 năm (Chính Nguyên). Nếu nhà nằm trong 1 vùng đất lớn, có Long mạch lớn và dài, đã đắc Thành môn, còn thêm cuộc Hợp thập, hoặc đắc những số Tiên thiên thì vận khí sẽ kéo dài tới 540 năm (Đại Nguyên). Nếu đã được những cách đó, mà long mạch lại cực lớn, dài hàng ngàn dặm (3 dặm Tàu = 1 km) thì có thể kéo dài tới 1080 năm, tức 2 Đại Nguyên thì vận khí của căn nhà hay ngôi mộ đó mới chấm dứt. Cho nên, khi xét đoán trạch vận thì không thể chỉ nhìn vào Phi tinh, mà còn phải để ý đến những yếu tố quan trọng khác sẽ lần lượt được nói tới trong những phần kế tiếp.


Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

20 tháng 12 2022

HKPT_Bài 9: ĐẶC TÍNH CỦA CỬU TINH TRONG HUYỀN KHÔNG

 

BÀI 9

ĐẶC TÍNH CỦA CỬU TINH TRONG HUYỀN KHÔNG

 

Huyền Không phi tinh dựa vào tính chất, và sự di chuyển của 9 sao (tức Cửu tinh hay 9 số) mà đoán định họa, phúc của từng căn nhà (dương trạch) hay từng phần mộ (âm trạch). Do đó, biết được tính chất của từng sao, cũng như quỹ đạo vận hành của chúng là điều căn bản cần thiết cho tất cả những ai muốn tìm hiểu, hay nghiên cứu về Huyền không học. Cho nên, trước khi đi vào những nguyên lý căn bản của Huyền không thì cần phải biết qua tính chất của Cửu tinh ( Lạc Thư).

CỬU TINH (Lạc thư): tức là 9 con số, từ số 1 tới số 9, với mỗi số đều có tính chất và Ngũ hành riêng biệt, đại lược như sau:

* Số 1: (còn được gọi là sao NHẤT BẠCH hoặc THAM LANG) có những tính chất như sau:

     Về Ngũ Hành: thuộc Thủy.

     Về màu sắc: thuộc màu trắng, xanh dương.

     Về cơ thể: là thận, tai và máu huyết.

     Về người: là con trai thứ trong gia đình.

     Về tính chất:

        - Nếu vượng, hoặc đi với những sao 4, 6 thì chủ về văn tài xuất chúng, công danh, sự nghiệp thăng tiến.

       - Nếu suy, tử thì mắc bệnh về thận và khí huyết, công danh trắc trở, bị trộm cướp hay trở thành trộm cướp.

 

* Số 2: (còn được gọi là sao NHỊ HẮC hay CỰ MÔN) có những tính chất sau:

     Về Ngũ hành: thuộc Thổ.

     Về màu sắc: thuộc màu đen, vàng đậm.

     Về cơ thể: là bụng và dạ dày.

     Về người: là mẹ hoặc vợ trong gia đình.

     Về tính chất:

        - Nếu vượng thì điền sản sung túc, phát về võ nghiệp, con cháu đông đúc.

        - Nếu suy thì bệnh tật liên miên, trong nhà xuất hiện quả phụ.

 

* Số 3: (còn được gọi là sao TAM BÍCH hay LỘC TỒN) có những tính chất sau:

     Về Ngũ hành: thuộc Mộc.

     Về màu sắc: thuộc màu xanh lá cây.

     Về cơ thể: mật, vai và 2 tay.

     Về người: là con trai trưởng trong gia đình.

     Về tính chất:

        - Nếu vượng thì con trưởng phát đạt, lợi cho kinh doanh, vợ cả tốt.

        - Nếu suy thì khắc vợ, và hay bị kiện tụng, tranh chấp.

 

* Số 4: (còn được gọi là sao TỨ LỤC hoặc VĂN XƯƠNG) có những tính chất sau:

     Về Ngũ hành: thuộc Mộc.

     Về màu sắc: thuộc màu xanh dương (xanh nước biển), xanh ngọc.

     Về cơ thể: gan, đùi và 2 chân.

     Về người: là con gái trưởng trong gia đình.

     Về tính chất:

      - Nếu vượng, hoặc đi với sao Nhất Bạch thì văn chương nổi tiếng, đỗ đạt cao, con gái xinh đẹp, lấy chồng giàu sang.

        - Nếu suy, tử thì trong nhà xuất hiện người dâm đãng, phiêu bạt đó đây, bệnh về thần kinh.

 

* Số 5: (còn được gọi là sao NGŨ HOÀNG) có những tính chất sau:

     Về Ngũ Hành: thuộc Thổ.

     Về màu sắc: thuộc màu vàng.

     Về cơ thể và con người: không có.

     Về tính chất:

        - Nếu vượng thì tài lộc, nhân đinh đều phát, phú quý song toàn.

        - Nếu suy thì chủ nhiều hung họa, bệnh tật, tai nạn, chết chóc...

 

*Số 6: (còn được gọi là sao LỤC BẠCH hay VŨ KHÚC) có những tính chất sau:

     Về Ngũ hành: thuộc Kim.

     Về màu sắc: thuộc màu trắng, bạc, xám.

     Về cơ thể: đầu, mũi, cổ, xương, ruột già.

     Về người: là chồng hoặc cha trong gia đình.

     Về tính chất:

      - Nếu vượng, hoặc đi với sao Nhất Bạch thì công danh hiển hách, văn võ song toàn.

     - Nếu suy thì khắc vợ, mất con, lại hay bị quan tụng, xương cốt dễ gãy.

 

*Số 7: (còn được gọi là sao THẤT XÍCH hoặc PHÁ QUÂN) có những tính chất sau:

     Về Ngũ hành: thuộc Kim.

     Về màu sắc: thuộc màu đỏ, xám đậm.

     Về cơ thể: phổi, miệng, lưỡi.

     Về người: là con gái út trong gia đình.

     Về tính chất:

       - Nếu vượng thì hoạnh phát về võ nghiệp hoặc kinh doanh.

       - Nếu suy thì bị trộm cướp, hay tiểu nhân làm hại, dễ mắc tai họa về hỏa tai hay thị phi, hình ngục.

 

* Số 8: (còn được gọi là sao BÁT BẠCH hoặc TẢ PHÙ) có những tính chất sau:

     Về Ngũ hành: thuộc Thổ.

     Về màu sắc: thuộc màu trắng, vàng nhạt.

     Về cơ thể: lưng, ngực và lá lách.

     Về người: là con trai út trong gia đình.

     Về tính chất:

        - Nếu vượng thì nhiều ruộng đất, nhà cửa, con cái hiếu thảo, tài đinh đều phát.

        - Nếu suy thì tổn thương con nhỏ, dễ bị ôn dịch.

 

* Số 9: (còn gọi là sao CỬU TỬ hoặc HỮU BẬT) có những tính chất sau:

     Về Ngũ hành: thuộc Hỏa.

     Về màu sắc: màu tía (tím), đỏ, cam.

     Về cơ thể: mắt, tim, ấn đường.

     Về người: con gái thứ trong gia đình.

     Về tính chất:

         - Nếu vượng thì nhiều văn tài, quý hiển, sống lâu.

       - Nếu suy thì bị hỏa tai, hoặc tai họa chốn quan trường, bị thổ huyết, điên loạn, đau mắt, sinh đẻ khó khăn.

 

Chú ý: Đây là kiến thức nền tảng, ứng dụng rất nhiều trong phong thủy và các môn huyền học khác, nên các bạn cần nhớ và hiểu.

Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

Bài viết nổi bật:

PHONG THỦY NĂM GIÁP THÌN (2024)