Tìm kiếm Blog này

01 tháng 2 2023

HKPT_Bài 14: THU SƠN – XUẤT SÁT

 

BÀI 14

THU SƠN – XUẤT SÁT

 

Như chúng ta đã biết, khí sinh, vượng của Sơn tinh phải đóng tại những nơi cao ráo, còn khí sinh, vượng của Hướng tinh phải đóng tại những nơi thấp, trũng hay có thủy. Nhưng nhìn vào trạch vận của 1 căn nhà, ta thấy tại bất cứ khu vực nào cũng đều có 3 sao là Vận – SơnHướng tinh. Trong 3 sao đó, ngoại trừ Vận tinh có tác dụng rất yếu, không đáng kể, chỉ dùng để phối hợp với Sơn tinh (hoặc Hướng tinh) hầu làm tăng thêm sự tốt, xấu mà thôi. Nhưng sự tương tác giữa Sơn tinh với Hướng tinh, và hoàn cảnh Loan đầu chung quanh là 1 điều quan trọng, có liên quan tới mọi vấn đề cát, hung, họa, phúc của 1 căn nhà, và do đó cần phải được đặc biệt quan tâm đến.

 

Khi xét đến sự tương quan giữa Sơn tinhHướng tinh tại mỗi khu vực thì sẽ thấy có 4 trường hợp sau:

- Sơn tinh là sinh, vượng khí; Hướng tinh là suy, tử khí.

- Hướng tinh là sinh, vượng khí; Sơn tinh là suy, tử khí.

- Sơn tinhHướng tinh đều là sinh, vượng khí.

- Sơn tinhHướng tinh đều là suy, tử khí.

 

Phối hợp 4 trường hợp trên với địa hình Loan đầu bên ngoài thì sẽ thấy như sau:

 

1.  Nếu 1 khu vực có Sơn tinh là sinh, vượng khí, còn Hướng tinh là suy, tử khí: mà nơi đó có núi hay nhà cao, cây cao... tức khí sinh, vượng của Sơn tinh đã “đắc cách”, vì đóng tại chỗ có cao sơn, thực địa. Trong trường hợp này, khí sinh, vượng của Sơn tinh đã làm chủ khu vực đó, còn Hướng tinh tại đây vừa là khí suy, tử, vừa bị “thất cách” (vì còn gặp núi chứ không gặp nước) nên mất hết hiệu lực. Do đó, Hướng tinh tại khu vực này sẽ hoàn toàn bị Sơn tinh chi phối. Vì Sơn tinh “đắc cách” của những nơi này làm mất hết tác dụng xấu của Hướng tinh tại đây, nên những trường hợp đó còn được gọi là “Sơn chế ngự Thủy. Đây chính là trường hợp Sơn tinhhóa sát” (hay “xuất sát”, tức là làm mất hết sát khí) của Hướng tinh, và thường được gọi tắt là “XUẤT SÁT”.

 

Thí dụ: nhà hướng Mùi 210 độ, nhập trạch trong vận 8. Nếu lập trạch vận thì sẽ thấy khu vực phía sau nhà (ĐÔNG BẮC) có Sơn tinh 8 (vượng khí), Hướng tinh 2 (tử khí). Nếu nơi đó có núi (ở xa) hay nhà cao ở gần (nhưng tối thiểu phải cao bằng nhà này, còn nếu càng cao lớn hơn lại càng tốt) thì vượng khí của Sơn tinh đã “đắc cách”, có thể hóa giải sát khí của Hướng tinh 2. Còn Hướng tinh 2 vì đã bị mất hết hiệu lực, nên không thể gieo rắc bệnh tật (số 2 là sao Nhị Hắc, chủ bệnh tật, đau ốm), cũng như làm hư hao tài lộc được nữa, dù là khu vực đó có “động” (như có cửa hoặc thường sinh hoạt...) hay không. Cho nên, nhà này không những vừa vượng nhân đinh, vừa có thể tăng tiến cả tài lộc nữa (vì không bị hung khí của Hướng tinh làm hao tài).

Hình 70: trạch vận nhà hướng MÙI (210), VẬN 8

Cũng tương tự, khu vực phía TÂY của nhà này có Sơn tinh 9 (sinh khí) và Hướng tinh 3 (tử khí). Còn khu vực phía TÂY BẮC có Sơn tinh 1 (sinh khí) và Hướng tinh 4 (tử khí). Nếu 2 khu vực này cũng có núi hay nhà cao thì cũng là trường hợp “Xuất sát”, vừa làm vượng đinh, vừa hóa giải sát khí của Hướng tinh, nên sẽ góp phần làm tăng tiến thêm cho tài lộc (hình dưới).

Hình 60: nhà đắc cuộc “XUẤT SÁT

Những khu vực có SINH – VƯỢNG khí của SƠN TINH đều có nhà hay đồi núi

 

2.  Nếu 1 khu vực có Sơn tinh là sinh, vượng khí, còn Hướng tinh là suy, tử khí: nhưng không có núi hay nhà cao, mà lại có thủy của sông, hồ, ao, biển... thì đây là trường hợp Sơn tinhHạ thủy”, còn Hướng tinh là “hung tinh đắc cách”, nên là trường hợp tổn đinh, phá tài.

 

Thí dụ: cũng với trường hợp nhà hướng MÙI ở trên. Nếu phía sau và bên hông (TÂY và TÂY BẮC) không có nhà hay đồi cao, mà lại có Thủy, thì các khí Sinh – Vượng của Sơn tinh đều bị “Hạ Thủy”. Còn các khí Suy – Tử của Hướng tinh đều gặp Thủy, nên vừa phá tài nặng, vừa làm tổn thất nhân đinh rất nhiều.

Hình 61: nhà phạm cuộc “Hạ Thủy

Các khu vực có SINH – VƯỢNG KHÍ của SƠN TINH đều có ao hồ (thủy)

 

3.  Nếu khu vực có Hướng tinh là sinh, vượng khí, còn Sơn tinh là suy, tử khí: mà khu vực đó có Thủy của sông, hồ, ao, biển hay cửa ra, vào nhà, thì Hướng tinh đã “đắc Thủy”, nên nắm quyền điều động và chi phối Sơn tinh tại đó. Còn Sơn tinh vừa là khí suy, tử, vừa bị “thất cách” (gặp thủy) nên đã mất hết hiệu lực và bị Hướng tinh chế ngự. Đây chính là trường hợp “Thủy thu sát của Sơn”, hay thường được gọi tắt là cách cục “THU SƠN”.

 

- Thí dụ: cũng lấy nhà hướng MÙI 210 độ ở trên. Chiếu theo trạch vận thấy khu vực phía TÂY NAM (tức phía trước nhà) có Hướng tinh số 8 (vượng khí) và Sơn tinh số 5 (tử khí). Nếu ở đây có sông, hồ, ao, biển, hay đường rộng, cửa ra vào... thì vượng khí của Hướng tinh đã “đắc Thủy”. Điều này chẳng những sẽ làm cho tài lộc được sung túc, mà còn hóa được sát (tức “Thu sơn”) của Sơn tinh Ngũ Hoàng, khiến cho sao này mất tác dụng mà không còn gây tổn hại nhân đinh (sao Ngũ Hoàng chủ sự chết chóc hoặc nhân đinh ly tán). Cũng tương tự, khu vực phía BẮC nhà này có Hướng tinh 9 (sinh khí), Sơn tinh 6 (tử khí). Còn phía NAM có Hướng tinh 1 (sinh khí), Sơn tinh 7 (suy khí). Nếu ở 2 phía này cũng có Thủy hay đường đi, cửa ra vào... thì sẽ tạo thành cuộc “Thu sơn”, vừa vượng tài, vừa có thể làm vượng cả đinh nữa (vì đã hóa giải được sát khí của những Sơn tinh – hình dưới).

Hình 62: nhà đắc cuộc “Thu Sơn”

Những khu vực có SINH – VƯỢNG khí của HƯỚNG TINH đều có Thủy hay đường xá.

 

4.  Nếu 1 khu vực có Hướng tinh là sinh, vượng khí, còn Sơn tinh là suy, tử khí: nhưng nơi đó không có Thủy, mà lại có núi hay nhà cao... thì sẽ là cuộc Hướng tinhThượng sơn”. Còn Sơn tinh đã là khí suy, tử mà gặp núi cao, là cách cuộc “hung tinh đắc cách”, chủ phá tài và gây ra nhiều tai họa cho người.

 

- Thí dụ: vẫn lấy trường hợp nhà hướng MÙI ở trên. Vì các phía TÂY NAM, BẮC và NAM đều có vượng khí hoặc sinh khí của Hướng tinh. Nhưng nếu những khu vực đó bị núi, đồi, nhà cao, hoặc cây cối lớn che chắn thì Hướng tinh bị “Thượng Sơn”, nên tài lộc sẽ suy bại nặng. Chẳng những thế, mà còn bị những tai họa do khí suy, tử của Sơn tinh gặp núi hay nhà cao gây ra nữa (hình 63).

Hình 63: nhà phạm cuộc “Thượng Sơn”

Những khu vực có SINH – VƯỢNG khí của HƯỚNG TINH đều có nhà cao hay đồi núi

 

5.  Nếu 1 khu vực mà Sơn tinhHướng tinh đều là sinh, vượng khí: thì cách tốt nhất cho trường hợp này là khu vực đó cần có cả sông hồ lẫn núi hay nhà cao. Với điều kiện là sông hồ ở gần kề, còn núi hay nhà cao ở ngoài xa. Nếu được như thế thì Sơn tinhHướng tinh đều đắc cách, nên đinh tài đều vượng.


- Thí dụ: nhà hướng chính NAM 180 độ, nhập trạch trong vận 8. Tinh bàn của căn nhà như sau:

Hình 64: trạch vận nhà tọa TÝ hướng NGỌ, vận 8

Vì cả Sơn tinh lẫn Hướng tinh đến phía trước nhà đều là vượng khí, nên khu vực đó nếu có cả Sơn lẫn Thủy là tốt nhất.

Hình 65: nhà có VƯỢNG KHÍ của cả SƠN TINH lẫn HƯỚNG TINH đến phía trước.

Nếu có Thủy hoặc đường lớn ở gần, ngoài xa có núi hay nhà cao thì đinhtài đều vượng.

Ngược lại, nếu Sơn tinhHướng tinh đến phía trước nhà đều là vượng khí, nhưng lại có núi hay nhà cao ở gần, còn ngoài xa mới có sông hồ hoặc đường lớn thì sẽ chủ suy bại cả về tài lộc lẫn nhân đinh. Chứ không phải sẽ đắc cách “Ngoại sơn hữu thủy”, hay “Tiên kiến sơn, hậu kiến thủy” (tức trước gặp núi, sau gặp nước), nên cũng tốt cho cả tài lộc và nhân đinh như 1 số phái thường nói, hay áp dụng.

 

Hình 66: nhà có VƯỢNG KHÍ của cả SƠN TINH lẫn HƯỚNG TINH đến phía trước.

Nếu có núi hoặc nhà cao ở gần, ngoài xa có thủy hay đường lớn là suy bại cả về người lẫn của. Nếu khu vực này chỉ có núi mà không có sông, hồ thì dù hình dáng của núi có đẹp, lại ở xa cũng chỉ vượng đinh, nhưng tài lộc suy thoái. Đây là trường hợp nhà phát quý nhưng không phát phú. Còn nếu chỉ có núi hình dáng tầm thường (hoặc xấu xí), và lại nằm gần nhà, hay chỉ có nhà cao thôi thì đinh, tài đều suy thoái.

Hình 67: phía trước nhà chỉ có núi mà không có Thủy

Nhà A: có núi hình dáng cân xứng, đẹp đẽ ở xa: chủ phát quý nhưng không giàu

Nhà B: có núi xấu xí ở gần nhà, nên đinh, tài đều suy bại

Nếu khu vực này có sông nước đẹp, thủy lớnphản quang thì dù không có núi cũng là cách cuộc vượng cả tài lẫn đinh. Nếu không có thủy mà chỉ có đường đi, sân rộng hay cửa nẻo ra vào thôi thì chỉ là cách cuộc vượng tài, nhưng nhân đinh không vượng.

Hình 68: phía trước nhà chỉ có Thủy chứ không có núi

Nhà A: đại vượng cả tàiđinh - Nhà B: chỉ vượng tài, nhưng không vượng đinh

 

6.  Nếu 1 khu vực mà Sơn tinh hay Hướng tinh đều là suy, tử khí: mà nếu khu vực đó có núi hay nhà cao, thì nhà đó sẽ bị những tai họa do những đối tượng của Sơn tinh đó gây ra. Trong trường hợp này Hướng tinh vô hại.

Nếu khu vực đó có sông, hồ hay cửa ra vào, thì nhà đó sẽ bị những tai họa, bệnh tật do Hướng tinh đó mang tới, cộng với vấn đề hao tài. Trong trường hợp này Sơn tinh vô hại.  

Nếu khu vực này bằng phẳng, yên tĩnh, thì cả Sơn tinh lẫn Hướng tinh đều được hóa giải và trở nên vô hiệu lực.

 

- Thí dụ: Cũng nhà hướng NAM 180 độ, nhập trạch trong vận 8 như ở trên. Nếu nhìn vào tinh bàn (hình dưới) thì sẽ thấy như sau:

Hình 69: trạch vận nhà hướng NAM, 180 độ, vận 8

Sơn – Hướng tinh tại các khu vực phía TÂY BẮC, ĐÔNG và ĐÔNG NAM đều là khí suy, tử. Vì vậy, những khu vực này nên bằng phẳng, yên tĩnh thì vô hại.

Nếu tại 3 khu vực đó mà có núi hay nhà cao thì sẽ bị những tai họa do Sơn tinh gây ra. Như phía TÂY BẮC có Sơn tinh Ngũ Hoàng, nên chủ gây tổn thất cho người, con cái yểu chiết, nhân đinh ít ỏi, tuyệt dòng giống. Còn phía ĐÔNG có Sơn tinh Nhị Hắc, nên chủ nhà nhiều đàn bà, quả phụ...

Nếu tại 3 khu vực đó mà có Thủy hay cửa vào nhà thì tài lộc suy bại, tai họa, bệnh tật. Như phía TÂY BẮC có Hướng tinh Nhị Hắc nên chủ bệnh tật triền miên, tiền bạc túng thiếu, mọi công việc đều bế tắc. Khu vực phía ĐÔNG có Hướng tinh Ngũ Hoàng nên chủ tai họa, thị phi, kiện tụng, chưa kể bệnh tật ngặt nghèo, tiền của hao tán, suy kiệt đến cùng cực...

 

Tóm lại, trong 6 trường hợp khảo sát ở trên, chỉ có 2 trường hợp là được cuộc “THU SƠN – XUẤT SÁT” như sau:

·    Những khu vực có Sinh – Vượng khí của Sơn tinh, Suy – Tử khí của Hướng tinh mà có núi hay nhà cao thì được cuộc “XUẤT SÁT”.

·    Những khu vực có Sinh – Vượng khí của Hướng tinh, Suy – Tử khí của Sơn tinh mà có Thủy hoặc đường xá, cửa ra vào thì được cuộc “THU SƠN”.

 

Thí dụ: trở lại căn nhà hướng MÙI 210 độ, nhập trạch trong vận ở phần đầu, với tinh bàn như hình dưới.

Hình 70: trạch vận nhà hướng MÙI 210 độ, vận 8

Nhìn vào trạch vận sẽ thấy 3 phía TÂY, TÂY BẮC và ĐÔNG BẮC có Sinh – Vượng khí của Sơn tinh, Suy – Tử khí của Hướng tinh, nên 3 nơi đó cần có núi hay nhà cao để tạo thành cuộc “Xuất sát”. Còn 3 phía BẮC, NAM và TÂY NAM có Sinh – Vượng khí của Hướng tinh, Suy – Tử khí của Sơn tinh, nên cần có sông, hồ, ao, biển, đường đi, cửa ra vào... để tạo thành cuộc “Thu sơn”.

Còn khu vực phía ĐÔNG có Sơn tinh 4, Hướng tinh 7 đều là khí Suy – Tử, nếu có núi cao thì Sơn tinh 4 đắc thế, nhà dễ bị đàn bà làm hại (như vì tửu sắc hoặc trai gái...), con gái trưởng trong nhà bướng bỉnh, hư đốn, nhưng Hướng tinh 7 thì vô hại. Nếu nơi này có sông, hồ, chứ không có núi cao, thì Hướng tinh Thất xích lại đắc thế, nên nhà thường bị bệnh về miệng, cổ, phổi, đại trường, lại hay bị người khác lừa gạt, mất tiền mất bạc, cũng như dễ bị hỏa hoạn, nhưng Sơn tinh 4 ở đây vô hại. Trường hợp khu vực này bằng phẳng, yên tĩnh thì cả Hướng tinh lẫn Sơn tinh đều vô hại.

Tương tự như thế với khu vực phía ĐÔNG NAM, có Sơn tinh 3, Hướng tinh 6 tức đều là khí suy, tử. Nếu khu vực này có núi cao thì Sơn tinh 3 đắc thế, con trai trưởng trong nhà hung hăng, vô lễ, ra ngoài bị bạn bè, người quen ghen ghét, hãm hại, nhưng Hướng tinh 6 ở đây sẽ không có tác dụng. Nếu khu vực này không có núi, mà có sông, biển, cửa ra vào... thì Hướng tinh 6 lại đắc thế, cho nên dễ bị những bệnh về đầu, tai nạn về binh đao, trộm cướp, trong nhà có người đàn ông góa vợ, nhưng Sơn tinh 3 ở đây vô hại. Nếu khu vực này bằng phẳng, yên tĩnh thì cả Hướng tinh lẫn Sơn tinh đều đã được hóa giải, nên không còn hiệu lực nữa.

Như vậy, căn nhà này có 3 phía BẮC, NAM, và TÂY NAM nếu có thủy sẽ thành cuộc “Thu sơn”. Còn 3 phía TÂY, TÂY BẮC và ĐÔNG BẮC nếu có núi sẽ thành cuộc “Xuất sát”. Riêng 2 phía ĐÔNG và ĐÔNG NAM thì nên bằng phẳng, yên tĩnh là tốt nhất (hình dưới).

Hình 71: nhà đắc cuộc “Thu Sơn, Xuất Sát”

 

Tóm lại, “Thu sơn, xuất sát” chỉ là phương pháp nhằm phát huy tới mức tối đa những khí sinh, vượng của cả Hướng tinhSơn tinh, hỗ trợ, bổ khuyết thêm cho cách cục “Đáo Sơn, Đáo Hướng”. Ngoài ra, chúng còn giúp hóa giải bớt những khí hung sát (Suy – Tử) của cả Sơn lẫn Hướng tinh, khiến cho 1 căn nhà đã tốt lại càng tốt thêm, có thể gồm thâu được cả “PHÚC” (nhân đinh đông đúc, con cháu hiền tài), “LỘC” (giàu sang, phú quý), “THỌ” (sức khỏe tràn trề, sống lâu trăm tuổi). 

Ngoài ra còn có thể làm cho vận khí của căn nhà được lâu dài, bền bỉ, nên đây là 1 nguyên lý quan trọng của Huyền Không, và cần được chú ý, cũng như thông hiểu cho cặn kẽ.

 

Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài viết nổi bật:

Tam Bảo: Tinh – Khí – Thần