Tìm kiếm Blog này

12 tháng 11 2022

HKPT_Bài 01: Khái quát lịch sử HUYỀN KHÔNG

PHONG THỦY HUYỀN KHÔNG HỌC - BÌNH NGUYÊN QUÂN

Dẫn lời và nhận xét về Quyển sách: "PHONG THỦY HUYỀN KHÔNG HỌC" của tác giả  BÌNH NGUYÊN QUÂN

Sách "Phong thủy Huyền không học" là một cuốn tài liệu quý và không thể thiếu cho những ai muốn tìm hiểu về Phong thủy Huyền không. Cuốn sách xuất bản đầu tiên 2008 , một trường phái với kiến thức khá mới mẻ, nhưng đã được các thành viên giới học thuật phong thủy đón nhận nồng nhiệt, đánh giá chất lượng, là nền tảng cơ bản phải đọc đầu tiên , nên đã rất nổi tiếng , và tên tuổi của tác giả Bình Nguyên Quân được mọi người tôn trọng từ lúc đó.

Trãi qua thời gian dài, với nhiều sự đóng góp các bạn đọc, Sách "Phong thủy Huyền không học" cuả thầy Bình Nguyên Quân được xuất bản Lần tái bản lần 2 vào cuối năm 2020. Lướt qua đọc quyển sách, tôi thấy thầy Bình Nguyên Quân có nhiều bổ sung khá hay, càng giúp mọi người khi bắt đầu tiếp nhận cũng nhanh chóng dễ hiểu với rất nhiều ảnh minh họa ( tăng gấp đôi so với tái bản 2018), chắc chắn sẽ giúp cho người học dễ hình tượng và nắm bắt nhanh kiến thức. Qua đó chúng ta thấy được, Thầy Bình Nguyên Quân rất mong muốn truyền đạt sự đam mê môn phong thủy đến với các bạn đọc yêu thích! Đó là 1 điều đáng trân trọng từ thầy!

Cảm ơn thầy Bình Nguyên Quân đã tốn nhiều công sức và tâm huyết để biên soạn! Rất mong mọi người đón nhận và cảm nhận!

Sau đây NGÔI NHÀ AN VUI  sẽ trích và soạn lại một số bài viết về kiến thức cơ bản từ quyển sách trên, để bạn đọc nắm khái quát. Tuy nhiên điều tốt nhất, các bạn nên mua quyển sách trên để đọc, học kỹ hơn và có nhiều ví dụ ,hình ảnh minh họa cụ thể. Việc đọc sách và ghi chú trên sách giấy sẽ giúp các bạn học dễ dàng và thích thú hơn đọc sách ebook:

Trân trọng!


--------- ********************* ---------


BÀI 1

KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HUYỀN KHÔNG


Bàn về 2 chữ “Huyền không”, Thẩm trúc Nhưng – tác giả bộ “Thẩm thị Huyền Không học” – đã giải thích như sau: “Trong sách Pháp Ngôn của Dương Hùng có viết: <Huyền giả nhất dã> (tức Huyền là một). Lời giải thích này khá rõ ràng, nhưng đến chữ “Không” thì rất khó giải thích. Bởi vì “KHÔNG” không có nghĩa là trống không hoàn toàn, mà trong cái “KHÔNG” lại bao hàm cái “CÓ”. Các học giả Thiên Trúc (Ấn Độ) xưa luận giải như sau:

 ” Sắc bất dị không,

 Không bất dị sắc,

 Sắc tức thị không, 

 Không tức thị sắc,

 Diệc phục như thị”

Thụ tưởng hành thức,  

Tạm dịch:

“Vật thể chẳng khác gì không,

Không chẳng khác gì vật thể,

Vật thể tức là không,

Không tức là vật thể,

Những điều cảm nhận,

Hoặc suy nghĩ được đều như vậy”.


Cho nên, “KHÔNG” bao hàm cả “khiếu” (tức mấu chốt của sự vật). “Khiếu” có 9 cái nên gọi “Cửu khiếu”, cũng là nói 2 chữ “Huyền Không” bao hàm từ 1 tới 9. Nhưng đây không chỉ đơn thuần là số đếm, mà còn là mấu chốt để định vị không gian và thời gian chứa đựng sự vật. Vì vậy mới dùng 2 chữ “Huyền Không” làm đại biểu”.

Nói 1 cách khác, “Huyền Không” là dùng các con số từ 1 tới 9 để biểu thị, quan sát mọi sự thay đổi, biến hóa của sự vật. Như chúng ta đã biết, mọi vật thể, cũng như vũ trụ đều được cấu trúc bằng những hạt nhân nguyên tử, (hay những hành tinh), và di chuyển theo quỹ đạo hình tròn. Còn 9 con số khi biểu thị sự thay đổi, biến hóa của sự vật sẽ di chuyển theo 1 quỹ đạo nhất định. Quỹ đạo này được gọi là vòng Lượng thiên Xích hay quỹ đạo Lượng thiên Xích (sẽ nói trong 1 mục sau). Bàn về Lượng thiên xích, sách “Trạch vận tân án” có viết:

“Thùy đắc Lượng thiên Xích nhất chi,

 Bộ lường trung, ngoại cổ kim thi, 

 Tử sinh đắc thất tùy thám sách,  

 Quá hiện vị lai liễu liễu tri”


Tạm dịch:

“Nếu đã nắm được vòng Lượng thiên Xích,

Có thể đo lường mọi chuyện trong ngoài, xưa nay,

Tìm hiểu được sự sống chết và được mất,

Biết rõ quá khứ, hiện tại và tương lai”.

 Cho nên, “Huyền không học” là bộ môn Phong thủy dựa vào sự di chuyển của 9 con số theo quỹ đạo của vòng Lượng thiên Xích trên đồ hình của Bát quái mà đoán định cát, hung, được, mất của từng căn nhà (dương trạch) hay phần mộ (âm trạch). Nhưng tại sao lại phải dựa trên đồ hình của Bát quái? Đó là vì ngay từ thời xa xưa, cổ nhân đã biết phác họa ra Bát quái để thu tóm mọi biến chuyển của Trời (thiên văn), Đất (địa lý) vào đó. Theo “Lục kinh đồ”, phần “Ngưỡng quan thiên văn đồ” thì “Phục Hy quan sát thiên văn mà vẽ ra Bát quái. Do đó, phàm những gì thuộc về thiên văn như vòng vận hành của mặt trời, mặt trăng, tinh tú, ngày tháng, bốn mùa. . . không gì mà Bát quái không thu tóm”. Còn sách “Phủ sát địa lý” thì viết: “Cúi xuống xem xét địa lý mà vạch ra 8 quẻ, phàm những gì liên quan tới lý lẽ của Đất (địa) như bốn phương chín châu, điểu thú, thảo mộc, mười hai chi sở thuộc. . . không gì mà Bát quái không cai quản”.

Hình 1: LẠC THƯ và quỹ đạo LƯỢNG THIÊN XÍCH

Như vậy, Bát quái chính là sự thu tóm những biến chuyển của Trời, Đất, còn sự di chuyển của 9 số (còn được gọi là Cửu tinh) theo vòng Lượng thiên Xích chính là những biến hóa, thay đổi của sự vật. Kết hợp những yếu tố này với nhau, tức là đưa sự vận hành của Cửu tinh theo vòng Lượng thiên Xích vào trong đồ hình của Bát quái để thu tóm mọi biến chuyển của Trời, Đất và sự vật chung quanh (là những yếu tố khách quan bên ngoài có tác động, ảnh hưởng tới 1 căn nhà hay 1 ngôi mộ) thì đương nhiên sẽ biết được vận khí tốt, xấu của căn nhà hay ngôi mộ đó theo từng thời gian nhất định. Đây chính là nguyên nhân sự hình thành và phát triển của trường phái Phong thủy mang danh là “Huyền không học” (còn được gọi là Huyền Không Phi tinh).

Về lai lịch của phái “Huyền không” tuy không ai có thể xác định được nó đã hình thành từ lúc nào? Hoặc do ai sáng lập? Nhưng vì hầu hết những nguyên lý căn bản của phái này đều được trích dẫn từ những tác phẩm về Phong thủy nổi tiếng của Dương quân Tùng (1 Phong thủy sư lỗi lạc thời nhà Đường) như “Thiên ngọc kinh”, “Thanh nang áo ngữ”, “Đô thiên Bảo chiếu kinh”, cho nên có lẽ phái Huyền Không đã được hình thành từ Thế kỷ thứ IX sau Công Nguyên (A.D), và Dương quân Tùng nếu không là người sáng lập cũng chính là người đã có công tạo dựng nền tảng và cơ sở vững chắc cho sự phát triển của Huyền Không phái.

Theo tác phẩm “Địa Lý toàn thư” của Lưu bá Ôn, Dương quân Tùng nguyên làm quan đến chức Kim Tử Quang Lộc Đại phu, chuyên coi về Địa Lý thời nhà Đường. Khi có loạn Hoàng Sào, ông rời bỏ kinh đô về ở ẩn, rồi truyền dạy Phong thủy cho Tăng văn Địch. Đến đầu thời Tống, Hy Di Trần Đoàn (người sáng lập ra môn Tử vi) học được Phong thủy từ Tăng văn Địch, rồi truyền lại cho Ngô khắc Thành. Khắc Thành truyền cho Ngô Cảnh Loan, là 1 danh sư Phong thủy thời nhà Tống, với những tác phẩm như “Huyền Không bí chỉ” và “Huyền cơ phú”. Nhưng Ngô cảnh Loan không có đệ tử, nên chỉ truyền thụ cho người con gái. Người con gái truyền cho Liêu kim Tinh (tức Liêu công, cũng là 1 danh sư Phong thủy). Sau này, gia đình Liêu công bị thảm sát, nên ông cũng đau buồn mà chết. Nhưng lúc đương thời, khi ông còn thực hành Phong thủy, có 2 người hầu tuy không biết chữ, nhưng nhờ theo ông từ nhỏ nên nhớ được các bí quyết. Họ tiếp tục thực hành và truyền bá Phong thủy, qua 11 đời sau thì tới Lưu bá Ôn, người làm quân sư cho Chu nguyên Chương (tức Minh Thái tổ).

Sau Lưu bá Ôn, Huyền không ngày càng mất dấu tích, có lẽ 1 phần vì do quy luật “bảo mật” của môn phái, một phần vì sự thịnh hành của Tam hợp phái thời đó (cách chọn hướng thiết kế cho Cấm thành Bắc kinh dưới thời Nguyên – Minh là theo Tam hợp; cũng như cụ Tả Ao của Việt Nam sang Tàu học Phong thủy thời đó cũng là học của Tam Hợp phái). Mãi đến cuối thời nhà Minh, Tưởng đại Hồng (hiệu là Đỗ Lăng phu tử) được Vô cực Tử chân truyền, mới đem Huyền không quảng bá và thực hành, nên nổi danh là 1 đại sư Phong thủy. Đến khi lớn tuổi, ông mới truyền lại cho đệ tử là Khương Diêu, nhưng căn dặn không được “tiết lộ Thiên cơ” (tức những bí pháp của Huyền không) ra ngoài. Vì vậy, Khương Diêu vẫn dấu kín, chỉ chân truyền cho đệ tử của mình mà thôi.

Nhờ sự quảng bá và danh tiếng của Tưởng đại Hồng, Huyền Không lại trở thành 1 trường phái Phong thủy phổ biến và có uy tín nhất của Trung hoa. Đến cuối thời nhà Thanh, Huyền không bị phân chia thành 6 môn phái lớn: phái Vô Thường của Chương trọng Sơn, phái Thượng Ngu của Trương tâm Ngôn, phái Điền Nam của Phạm nghi Tân, phái Tô Châu của Chu tiểu Hạc, phái Tương Sở của Y hữu Bản, phái Quảng Đông của Sài dân Sơn. Cả 6 phái đều tự nhận mình được chân truyền, cũng như công kích, đả phá học thuật của những phái khác. Tuy nhiên, trong 6 phái đó có Chương trọng Sơn là nổi bật vì nghệ thuật Phong thủy cao siêu, khả năng luận đoán cực chính xác.

Mãi đến sau này, Thẩm trúc Nhưng sau khi đã đọc hết sách vở của Phạm nghi Tân, Trương tâm Ngôn, Chương trọng Sơn, cũng như của Khương Diêu, Tưởng đại Hồng... mới thấy các nguyên lý của Huyền Không như cách theo thời vận an Phi tinh, kiêm hướng và cách dùng Thế quái, Thượng sơn hạ thủy, Phản ngâm – Phục ngâm, Thành môn, Hợp thập, Nhập tù... tất cả đều trùng hợp với những gì mà Chương trọng Sơn đã viết trong tác phẩm “Âm – dương nhị trạch lục nghiệm”. Điều này chứng minh được Chương trọng Sơn là người được chân truyền từ Khương Diêu, cũng như sở học của ông mới thật sự là Huyền không chân chính. Từ đó, Thẩm trúc Nhưng mới mở trường dạy Phong thủy, cũng như viết sách để quảng bá học thuật của Huyền không ra khắp đại chúng.

Gần đây, có 1 số người thường dựa vào luận điệu của những người tự xưng là được “chân truyền” để đả kích Thẩm trúc Nhưng, cho rằng vì ông không được đích truyền, nên học thuật của ông thường có nhiều thiếu sót hoặc sai lầm. Thật ra, họ đã không nhìn được vấn đề là ngay cả khi Chương trọng Sơn còn sống, các phái của Phạm nghi Tân, Trương tâm Ngôn... cũng đã “vạch ra” đủ mọi “sai lầm” của ông, cũng như phái nào cũng tự khoe là mình hay , mình giỏi, mình có những bí quyết được “chân truyền” từ tổ sư mà phái khác không biết hoặc không có...Cho nên, việc họ đả kích Thẩm trúc Nhưng trước hết là do sự ganh tỵ. Vì giữa lúc 6 phái chỉ lo tranh giành, bêu xấu nhau để đưa phái mình lên địa vị độc tôn, Thẩm trúc Nhưng chỉ là kẻ ngoại cuộc nhảy vào, phát hiện được những bí quyết của Huyền không rồi truyền bá ra ngoài, khiến cho người đời sau khi học đến Huyền không chỉ còn biết tới ông và các tổ sư đời trước, chứ không ai còn để ý tới phái này hay, phái kia dở nữa!!!

Còn nếu nói trong học thuật Phong thủy, chỉ có người được “đích truyền” mới có thể đạt đến trình độ cao siêu thì Quách Phác (1) đâu phải được ”đích truyền” từ Hoàng thạch Công và Trương Lương (2), thế mà vẫn viết được quyển “Táng Thư” và “Thanh nang kinh” làm khởi đầu cho nghệ thuật Âm – Dương trạch Phong thủy sau này. Sử sách cũng không thấy nói Dương quân Tùng được “đích truyền” từ Quách Phác, chỉ là đọc được ”Táng thư” và “Thanh nang kinh”, cũng như đánh cắp được cuốn “Lý Khí Ấn Tâm Kinh” mà Khâu đình Hàn – 1 danh sư về Phong thủy và Huyền thuật thời đó – dâng cho vua Đường Huyền Tông mà thôi (tức ông cũng không được “chân truyền” từ Khâu đình Hàn). Thế mà Dương quân Tùng vẫn có thể viết được “Thanh nang áo ngữ”, “ Thiên ngọc kinh”, “Đô thiên Bảo chiếu kinh”, làm căn bản cho Huyền không phái suốt từ đó đến nay!!!.

Vì vậy, chỉ có kết quả ứng dụng mới có thể trả lời được học thuật của Thẩm trúc Nhưng là chân chính, hay chỉ là ngụy thuyết? Còn vấn đề ông có được “chân truyền” hay không thật ra hoàn toàn không dính dáng gì đến những công trình tìm tòi, khám phá của ông về Huyền không, mà chỉ là luận điệu của những kẻ ganh tỵ, tìm những lý lẽ nhỏ nhen để bài bác và bêu xấu ông mà thôi.

Riêng Thẩm trúc Nhưng sau khi phổ biến những lý thuyết của Huyền Không, đã cùng các môn sinh, đệ tử thu tập hàng trăm trường hợp ứng dụng thực tế về nhà cửa, đất đai, địa hình... tất cả đều ăn khớp với những nguyên lý mà ông đã khám phá, và được ghi chép lại trong tác phẩm “Trạch vận Tân án” để người sau nghiệm chứng. Do đó, nếu học thuật của ông là sai lầm thì nó đã bị sụp đổ ngay từ đầu, hoặc đã gặp phải rất nhiều sự phản bác của những người tìm hiểu, học hỏi và áp dụng sau này. Chỉ nguyên điều đó cũng đủ minh chứng học thuật của ông là đúng đắn, cũng như đã tiếp thu được những tinh hoa của các danh sư Huyền không như Chương trọng Sơn, Tưởng đại Hồng, Liêu kim Tinh, Ngô cảnh Loan, Dương quân Tùng... qua các thời đại trước.

Ngoài ra, nếu không nhờ ông làm sáng tỏ mọi nguyên lý của Huyền không thì có lẽ đến nay sẽ không chỉ có 6 phái như dưới thời Chương trọng Sơn, mà có lẽ sẽ mọc ra hàng trăm phái, với mỗi phái đều tự nhận mình là chân truyền, cũng như bôi bác và đả kích nhau càng dữ dội. Điều này sẽ khiến cho không ai còn có thể nhận ra đâu là chính phái, đâu là ngụy thuyết nữa!!! Cho nên khi Thẩm trúc Nhưng công bố những khám phá của mình, ông chẳng những đã giúp cho việc phát triển của Huyền Không được tăng tiến mạnh mẽ, mà còn đập tan rất nhiều ngụy thuyết đã có vào thời đó, cũng như sẽ có sau này. Và chỉ nguyên điều đó thôi cũng đủ làm cho những người thường tự vỗ ngực mình là “đích truyền” đúng ra phải kính cẩn cúi đầu, cảm tạ công ơn của ông mới đúng!!!.

Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học" –  T/g: Bình Nguyên Quân – Tái bản năm 2018.

(1) Quách Phác (tự là Quách cảnh Thuần) là 1 nhà Phong thủy nổi tiếng thời nhà Tấn (thế kỷ thứ III A.D).

(2) Trương Lương: là đệ tử của Hoàng thạch Công, 1 Đạo gia, triết gia, và cũng là 1 nhà Huyền thuật, Phong thủy gia nổi danh vào thời Tần thủy Hoàng, sau này phò Lưu Bang đánh bại Hạng Võ mà lập ra nhà Hán.

Các tài liệu / sách được thể hiện đánh dấu màu vàng trong bài, chính là các nguồn chính thống khi các bạn sưu tầm để nghiên cứu.

Tổng hợp 18 bài cơ bản HKPT tại đây: 

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------











2 nhận xét:

Bài viết nổi bật:

PHONG THỦY NĂM GIÁP THÌN (2024)