Tìm kiếm Blog này

02 tháng 12 2022

HKPT_Bài 05: VÒNG LƯỢNG THIÊN XÍCH

 

Bài 05

VÒNG LƯỢNG THIÊN XÍCH

Trước khi nói về vòng Lượng thiên xích thì cần phải nhớ qua vị trí của 9 số (tức Cửu tinh) trong Lạc Thư như [Hình 10]

Đây chính là những phương vị “nguyên thủy” của Cửu tinh (còn gọi là địa bàn nguyên thủy của Cửu tinh), nhưng khi có những thay đổi về không gian và thời gian thì chúng cũng sẽ thay đổi, hoặc di động theo 1 qũy đạo nhất định. Quỹ đạo đó được gọi là vòng Lượng thiên Xích.

1/ VÒNG LƯỢNG THIÊN XÍCH: còn được gọi là “Cửu tinh đãng quái”, là thứ tự di chuyển của Cửu tinh trong Lạc thư, hay Hậu thiên Bát quái. Gọi là Lượng thiên xích, vì đây được coi như là 1 công cụ (Xích: cây thước) để đo lường (Lượng) thiên vận (Thiên). Nói 1 cách khác, “Lượng thiên Xích” chính là phương pháp tính toán để tìm thấy những giai đoạn cát, hung, họa, phước cho dương trạch và âm trạch. Còn sự di chuyển của Cửu tinh theo vòng Lượng thiên xích là dựa theo thứ tự số trong Lạc thư mà đi, bắt đầu từ chính giữa (tức trung cung). Cho nên, nếu nhìn vào các con số trong đó sẽ thấy số 5 nằm chính giữa, bắt đầu từ đó đi lên số 6 phía TÂY BẮC, xuống số 7 phía TÂY. Rồi vòng lên số 8 phía ĐÔNG BẮC, sau đó xuống số 9 phía NAM. Từ 9 lại đi ngược lên số 1 phía BẮC, sau đó xuống số 2 phía TÂY NAM, rồi quay ngược qua số 3 phía ĐÔNG, xong đi thẳng xuống dưới nơi số 4 ở phía ĐÔNG NAM, rồi trở về trung cung là hết 1 vòng [Hình 11].

Vì vậy, quỹ đạo của vòng Lượng thiên xích như sau:

    - Từ trung cung lên TÂY BẮC.

    - Từ TÂY BẮC xuống TÂY.

    - Từ TÂY lên ĐÔNG BẮC.

    - Từ ĐÔNG BẮC xuống NAM.

    - Từ NAM lên BẮC.

    - Từ BẮC xuống TÂY NAM.

    - Từ TÂY NAM sang ĐÔNG.

    - Từ ĐÔNG xuống ĐÔNG NAM.

    - Từ ĐÔNG NAM trở về trung cung.

Đó chính là bộ pháp (cách di chuyển) của Cửu tinh. Phải biết được nó mới có thể biết cách bài bố tinh bàn cho 1 trạch vận mà luận đoán cát, hung được.

2/ SỰ VẬN CHUYỂN THUẬN – NGHỊCH CỦA CỬU TINH: tuy Cửu tinh di chuyển theo quỹ đạo của vòng Lượng thiên Xích, nhưng chúng sẽ tạo ra 2 tình huống như sau:

a/ Theo chiều thuận (tức từ số nhỏ lên số lớn hơn): Sự vận chuyển như thế gọi là di chuyển theo chiều “THUẬN”. Thí dụ như khi số 7 nhập trung cung thì số 8 đến TÂY BẮC, số 9 đến TÂY, số 1 đến ĐÔNG BẮC... như [Hình 12]

b/ Theo chiều nghịch (tức từ số lớn xuống số nhỏ hơn): Sự vận chuyển như thế gọi là di chuyển theo chiều “NGHỊCH”. Cũng lấy thí dụ như trên là số 7 nhập trung cung, nếu xoay NGHỊCH thì số 6 đến TÂY BẮC, số 5 đến TÂY, số 4 đến ĐÔNG BẮC...[Hình 13].

Còn lý do tạo ra sự di chuyển thuận, nghịch của Cửu tinh là dựa vào nguyên tắc phân định âm – dương của Tam nguyên long sẽ nói ở phần sau.

Tóm tắt nội dung Bài 5 qua hình vẽ sau:


Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài viết nổi bật:

Tam Bảo: Tinh – Khí – Thần