Tìm kiếm Blog này

09 tháng 12 2022

HKPT_Bài 06: THẾ QUÁI

 

BÀI 6

THẾ QUÁI

 

Khi lập tinh bàn (hay trạch vận) của 1 căn nhà, người ta thường gặp phải những căn nhà không thuần hướng (hay chính hướng, tức hướng nhà không nằm chính giữa của 1 trong 24 hướng), mà lệch sang bên phải hoặc bên trái. Những trường hợp này còn được gọi là kiêm hướng.

Đối với Huyền không phái, nếu nhà (hay phần mộ) bị kiêm hướng, nhưng kiêm dưới 3 độ thì vẫn có thể áp dụng phương pháp lập tinh bàn như bình thường, tức vẫn lấy những vận tinh tới tọa và hướng ĐEM NHẬP TRUNG CUNG, rồi tùy Tam nguyên long của nó là dương hay âm mà xoay chuyển thuận hay nghịch. Nhưng khi hướng nhà (hay mộ) kiêm quá 3 độ thì cần phải dùng Thế quái (hay số thay thế).

Cho nên, Thế quái thật ra chỉ là phương pháp dùng số thay thế cho những trường hợp nhà kiêm hướng nhiều (trên 3 độ). Tưởng đại Hồng, 1 danh sư Phong thủy Huyền không dưới thời nhà Minh đã từng nói: “Xử dụng phép kiêm hướng thì cần phải dùng bí quyết KHÔN – NHÂM – ẤT”.

Nhưng “bí quyết KHÔN – NHÂM – ẤT” là gì?

Nó chính là 4 câu khẩu quyết trong “Thanh nang áo ngữ” mà Dương Quân Tùng đã viết để nói về cách dùng Thế quái như sau:

 

        “KHÔN – NHÂM – ẤT: Cự môn tòng đầu xuất,

        CẤN – BÍNH – TÂN: vị vị thị Phá Quân,

        TỐN – THÌN – HỢI: tậ n thị Vũ Khúc vị ,

        GIÁP – QUÝ – THÂN: Tham Lang nhấ t lộ hành”.

Có nghĩa là:

- Với 3 hướng KHÔN – NHÂM – ẤT (xin coi lại phần 24 sơn hướng và TAM NGUYÊN LONG) thì dùng sao Cự môn (tức số 2) khởi đầu (tức nhập trung cung rồi xoay chuyển thuận, nghịch).

- Với 3 hướng CẤN – BÍNH – TÂN, vị trí nào cũng dùng sao Phá Quân (tức số 7) nhập trung cung thay thế.

- Với 3 hướng TỐN – THÌN – HỢI thì dùng sao Vũ Khúc (tức số 6) nhập trung cung thay thế.

- Với 3 hướng GIÁP – QUÝ – THÂN thì dùng sao Tham Lang (tức số 1) nhập trung cung thay thế.

Thí dụ: nhà hướng 185 độ (tức tọa TÝ hướng NGỌ kiêm QUÝ – ĐINH 5 độ), nhập trạch trong vận 8, nên khi an vận bàn thì số 3 đến hướng, số 4 đến tọa như hình dưới.

Vì hướng nhà kiêm quá 3 độ, nên khi an Sơn bàn thì không thể lấy số 4 nhập trung cung, mà phải dùng Thế quái. Nhưng muốn tìm Thế quái thì phải dùng số 4, có 3 sơn là THÌN –TỐN– TỴ, đem áp đặt lên phương tọa thì thấy TỐN trùng với sơn TÝ (tức tọa của căn nhà). Mà theo khẩu quyết của Dương quân Tùng, nếu TỐN kiêm độ phải dùng sao Vũ Khúc (tức số 6) thay thế. Do đó, lấy số 6 nhập trung cung (thay vì số 4). Rồi vì TỐN là dương trong TAM NGUYÊN LONG, nên đem 6 nhập trung cung, xoay theo chiều thuận nên 7 tới TÂY BẮC, 8 tới TÂY, 9 tới ĐÔNG BẮC... để có được sơn bàn cho căn nhà này (hình dưới).

Tuy nhiên, vì trên la kinh có tới 24 sơn, trong khi khẩu quyết của Dương quân Tùng chỉ đưa ra 12 sơn trong trường hợp bị kiêm hướng, tức là ông chỉ viết ra có một nửa, còn một nửa không nhắc đến, mà chỉ truyền khẩu cho hậu thế. Vì vậy, người nào được truyền đều tự cho là gia bảo, là “bí mật của mọi bí mật”.

Đến cuối đời nhà Minh, khi Khương Diêu đưa cho Tưởng Đại Hồng hai ngàn lượng bạc để Tưởng đại Hồng mai táng cho cha, ông mới được họ Tưởng truyền hết khẩu quyết. Những điều này được Khương Diêu tiết lộ trong tác phẩm “Tòng sư tùy bút”, nhưng cũng rất ít người hiểu thấu đáo, trừ khi được chân truyền. Mãi đến cuối đời nhà Thanh, danh sư Chương Trọng Sơn được đích truyền của Huyền không phái mới biên sách để truyền lại cho con cháu, trong đó có nói đến cách dùng Thế quái. Việc này đến tai Thẩm Trúc Nhưng, lúc đó cũng đang cố công tìm kiếm, học hỏi về Huyền Không. Ông bèn bỏ ra một ngàn lạng bạc, mượn sách của Chương trọng Sơn trong 1 đêm để ghi chép hết lại. Nhờ vậy mà ông mới hiểu hết bí quyết của Thế quái mà đặt ra bài “Thế quái ca quyết” sau đây:

        TÝ, QUÝ tịnh GIÁP, THÂN, Tham Lang nhất lộ hành,

        NHÂM, MÃO, ẤT, MÙI, KHÔN, ngũ vị vi Cự Môn,

        CÀN, HỢI, THÌN, TỐN, TỴ, liên TUẤT Vũ Khúc danh,

        DẬU, TÂN, SỬU, CẤN, BÍNH, thiên tinh thuyết Phá Quân,

        DẦN, NGỌ, CANH, ĐINH thượng, Hữu Bật tứ tinh lâm,

        Bản sơn tinh tác chủ, phiên hướng trục hào hành,

        Liêm Trinh quy ngũ vị, chư tinh thuận, nghịch luận,

        Hung, cát tùy thời chuyển, Tham – Phụ bất đồng luân,

        Tiện hữu tiên hiền quyết, không vị kỵ lưu thần,

        Phiên hướng phi lâm BÍNH, thủy khẩu bất nghi ĐINH,

        Vận thế tinh bất cát, họa khởi chí diệt môn,

        Vận vượng tinh cách hợp, bách phúc hựu thiên trinh,

        Suy, vượng đa bằng thủy, quyền ngự giá tại tinh,

        Thủy kiêm tinh cộng đoán, diệu dụng cánh thông linh.

Tạm dịch:

        TÝ, QUÝ cùng GIÁP, THÂN, đi 1 đường với Tham Lang (số 1),

        NHÂM, MÃO, ẤT, MÙI, KHÔN, 5 vị trí dùng sao Cự Môn (số 2),

        CÀN, HỢI, THÌN, TỐN, TỴ cùng TUẤT dùng sao Vũ Khúc (số 6),

        DẬU, TÂN, SỬU, CẤN, BÍNH là những vị trí dùng sao Phá Quân (số 7),

        DẦN, NGỌ, CANH, ĐINH sẽ được sao Hữu Bật bay tới (số 9),

        Sao của bản sơn làm chủ, sao của hướng vận hành,

        Liêm Trinh tới các vị trí này, phải tính sự thuận, nghịch theo các sao,

        Hung, cát thay đổi tùy thời, Tham – phụ sẽ di chuyển trái ngược nhau,

        Theo khẩu quyết của tiên hiền, phải xa lánh tuyến vị Không vong,

        Nếu hướng tinh ở vị trí BÍNH, thì thủy khẩu không thể ở ĐINH,

        Gặp lúc thế tinh xấu có thể làm tan cửa nát nhà,

        Lúc thế tinh là vượng thì trăm điều lành sẽ tới,

        Suy hay vượng là căn cứ vào thủy, quyền hành đều do sao quyết định,

        Hợp thủy với sao là cách hay nhất để đoán biết mọi việc.

Dựa vào bài “Thế quái ca quyết” đó của Thẩm trúc Nhưng, chúng ta có thể tóm lược lại như sau:

        - TÝ, QUÝ, GIÁP, THÂN – dùng số 1 nhập trung.

        - KHÔN, NHÂM, ẤT, MÃO, MÙI – dùng số 2 nhập trung.

        - TUẤT, CÀN, HỢI, THÌN, TỐN, TỴ – dùng số 6 nhập trung.

        - CẤN, BÍNH, TÂN, DẬU, SỬU – dùng số 7 nhập trung.

        - DẦN, NGỌ, CANH, ĐINH – dùng số 9 nhập trung.

Tuy nhiên nếu để ý kỹ sẽ thấy trong 24 sơn, chỉ có 13 sơn là dùng Thế quái, còn lại 11 sơn không dùng, cụ thể là:

        - Số 1: gồm “NHÂM – TÝ – QUÝ”, trừ NHÂM dùng Thế quái thành Nhị Hắc (Cự Môn), TÝ – QUÝ vẫn dùng Nhất bạch, tức không có Thế quái.

        - Số 2: gồm “MÙI – KHÔN – THÂN”, trừ THÂN dùng Thế quái thành Nhất Bạch (Tham Lang), MÙI – KHÔN vẫn dùng Nhị Hắc, tức không có Thế quái.

        - Số 3: gồm “GIÁP – MÃO – ẤT”, nhưng GIÁP dùng Nhất Bạch làm Thế Quái, còn MÃO – ẤT dùng Nhị Hắc làm Thế quái.

        - Số 4: gồm “THÌN – TỐN – TỴ”, nhưng cả 3 đều dùng Lục Bạch (Vũ Khúc) làm Thế quái.

        - Số 6: gồm “TUẤT – CÀN – HỢI” nhưng cả 3 đều dùng Lục Bạch nên không có Thế quái.

        - Số 7: gồm “CANH – DẬU – TÂN”, trừ CANH dùng Cửu Tử (Hữu Bật) làm Thế quái, còn DẬU – TÂN vẫn dùng Thất Xích (Phá Quân), nên không có Thế quái.

        - Số 8: gồm “SỬU – CẤN – DẦN”, nhưng SỬU – CẤN dùng Thất Xích (Phá Quân) làm Thế quái, còn DẦN dùng Cửu Tử (Hữu Bật) làm Thế quái.

        - Số 9: gồm “BÍNH – NGỌ – ĐINH”, trừ BÍNH dùng Thất Xích (Phá Quân) làm Thế quái, còn NGỌ – ĐINH vẫn dùng Cửu Tử (Hữu Bật) tức không dùng Thế quái.

Cho nên, với bài “Thế quái ca quyết” của Thẩm trúc Nhưng, chúng ta có thể biết sơn nào (trong 24 sơn) có thể dùng Thế quái. Do đó, trở về với thí dụ trên, nhà hướng 185 độ (tức tọa TÝ hướng NGỌ kiêm QUÝ – ĐINH 5 độ), nhập trạch trong Vận 8, có Vận tinh số 3 tới phía trước. Nếu chỉ dựa vào 4 câu khẩu quyết của Dương quân Tùng trong “Thanh nang Áo Ngữ” thì không biết Vận tinh này có thể dùng Thế quái hay không? Nhưng với bài “Thế quái ca quyết” thì thấy số 3 gồm có 3 sơn GIÁP – MÃO – ẤT, nếu đem áp đặt lên 3 sơn BÍNH – NGỌ – ĐINH nơi đầu hướng thì sơn MÃO sẽ trùng với hướng NGỌ của căn nhà. Theo bài ca quyết, nếu MÃO kiêm hướng nhiều thì dùng Nhị Hắc làm Thế quái, nên lấy 2 nhập trung cung, rồi xoay theo chiều Nghịch (vì MÃO thuộc âm trong Tam nguyên Long), tức 1 tới TÂY BẮC, 9 tới TÂY, 8 tới ĐÔNG BẮC... Cũng chính vì điều này mà trong ca quyết mới có câu “sao của bản sơn làm chủ, sao của hướng vận hành”. Chữ “làm chủ” ở đây có nghĩa là quyết định sự di chuyển Thuận hay Nghịch, còn “sao của hướng” tức là Thế quái vận hành.

Trạch vận của căn nhà hướng NAM (185 độ), với cả Sơn và Hướng bàn đều dùng Thế quái.

BẢNG DÙNG THẾ QUÁI (Hình)

Một trường hợp khác là khi an vận bàn, vận tinh số 5 sẽ đến tọa hay hướng của căn nhà. Vì số 5 không có phương hướng, cũng không có Thế quái, cho nên khi gặp những trường hợp này thì chỉ cần xem phương tọa hay hướng của căn nhà thuộc sơn gì, và là dương hay âm trong Tam nguyên long? Rồi vẫn lấy số 5 nhập trung cung mà xoay chuyển THUẬN hay NGHỊCH theo với sơn tọa hoặc hướng của căn nhà.

- Thí dụ: nhà hướng 185 độ (tức là tọa TÝ hướng NGỌ kiêm ĐINH – QUÝ 5 độ), nhập trạch trong vận 1. Nếu an Vận bàn thì lấy số 1 nhập trung cung, xoay theo chiều thuận thì 2 đến TÂY BẮC, 3 đến TÂY, 4 đến ĐÔNG BẮC, 5 đến NAM... Vì nhà này kiêm hướng, nhưng do 5 không có Thế quái, cũng không có phương hướng, nên vẫn dùng hướng chính của căn nhà là hướng NGỌ, thuộc âm trong Tam nguyên Long. Rồi lấy số 5 nhập trung cung xoay NGHỊCH mà an Hướng bàn cho căn nhà này.

Cho nên, trường hợp Vận tinh số 5 tới tọa hoặc hướng của căn nhà sẽ không có Thế quái (hình trên).

 Một điểm quan trọng khác là có những căn nhà tuy kiêm hướng nhiều, nhưng Vận tinh tới tọa và hướng đều không dùng Thế quái. Về vấn đề này, nhiều nhà Phong thủy cho là cách cục không tốt, nên dù nhà có đắc vượng tinh tới hướng cũng vẫn có tai họa. Họ cho rằng vì nhà đã kiêm hướng tức cần phải có Thế quái, nếu như không có thì dù có đắc vượng tinh tới hướng cũng chỉ là miễn cưỡng, hoặc vượng tinh không có đủ uy lực phù trợ cho căn nhà. Nhưng qua thực tế kiểm chứng, những nhà này vẫn phát phúc, công việc và tài lộc của người sống trong nhà vẫn tốt đẹp. Điều này có thể dẫn đến kết luận là dù nhà kiêm hướng mà không có Thế quái, nhưng nếu đắc vượng tinh tới hướng cũng vẫn tốt đẹp như những nhà đắc vượng tinh khác.

- Thí dụ: nhà hướng 320 độ, (tức tọa TỐN hướng CÀN kiêm TỴ – HỢI 5 độ), nhập trạch trong vận 8.

Trước hết, muốn lập Vận bàn thì lấy 8 nhập trung cung, 9 tới TÂY BẮC tức hướng nhà.

Kế đó, khi muốn an Hướng bàn thì do nhà hướng CÀN, trùng với sơn NGỌ của số 9. Theo bài “Thế quái ca quyết”, NGỌ vẫn dùng Cửu Tử (số 9), tức không có Thế quái. Mà NGỌ thuộc âm trong Tam nguyên Long, nên lấy số 9 nhập trung cung xoay NGHỊCH thì 8 đến TÂY BẮC. Vì đang trong vận 8 mà được Hướng tinh 8 tới phía trước, nên nhà này thuộc cách đắc vượng tinh tới hướng. Đây là 1 cách tốt, mặc dù nhà kiêm hướng nhiều mà vẫn không có Thế quái để dùng.

Tương tự như thế, Vận tinh số 7 tới phía sau, nhưng vì Sơn DẬU của số 7 trùng với Sơn TỐN (tức phương tọa) của căn nhà. Mà DẬU không có Thế quái, nên vẫn dùng số 7 nhập trung cung xoay nghịch (vì DẬU là âm Sơn).

Trạch vận của nhà tọa TỐN Hướng CÀN kiêm TỴ – HỢI 5 độ. (Hình)

Tuy kiêm nhiều, lại không có số thế (tức Thế quái), nhưng vì Hướng tinh số 8 tới phía trước, Sơn tinh số 8 tới phía sau, nên là cách “Đáo Sơn, đáo Hướng” (sẽ nói trong 1 bài sau). Vì vậy, đây vẫn là cục diện tốt, chứ không xấu như trong sách vở thường nói.

 

Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học"– T/g: Bình Nguyên Quân– Tái bản năm 2018.

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài viết nổi bật:

PHONG THỦY NĂM GIÁP THÌN (2024)