Tìm kiếm Blog này

30 tháng 11 2022

HKPT_Bài 04: SỰ TƯƠNG QUAN NGŨ HÀNH

 

Bài 04

SỰ TƯƠNG QUAN NGŨ HÀNH

 

Sự tương quan giữa Ngũ hành với nhau được thể hiện qua những hình thức sau:

1/ NGŨ HÀNH TƯƠNG SINH:

Mọi vật thể muốn phát triển cần được sự hổ trợ, nuôi dưỡng từ những vật thể khác. Do đó, quan hệ tương sinh là biểu hiện quá trình tăng trưởng và phát triển của sự vật.

Nguyên lý ngũ hành tương sinh là: Hình 7: Ngũ hành tương sinh

     - KIM sinh THỦY

     - THỦY sinh MỘC

     - MỘC sinh HỎA

     - HỎA sinh THỔ

     - THỔ sinh KIM.

Kim sinh Thủy không phải là Kim bị đốt nóng sẽ chảy ra thành nước, vì Kim lúc đó tuy ở dạng thể mền lỏng, nhưng đỏ chói, nóng bỏng nên làm sao có thể gọi là “Thủy” được. Thật ra, nguyên lý Kim sinh Thủy của cổ nhân là vì lấy quẻ CÀN là biểu hiện của Trời, mà Trời sinh ra mưa để tưới nhuần vạn vật, nên Thủy được phát sinh từ Trời. Mà quẻ CÀN có hành Kim, nên mới nói “Kim sinh Thủy” là vậy. Mặt khác, trong Hậu thiên Bát quái của Văn Vương, Thủy là nguồn gốc phát sinh của vạn vật. Nếu không có Thủy thì vạn vật không thể phát sinh trên trái đất. Cho nên khi lấy CÀN (KIM) sinh KHẢM (THỦY) cũng chính là triết lý của người xưa nhìn nhận nguồn gốc của sự sống trên trái đất là bắt nguồn từ Trời, là hồng ân của Thượng Đế.

Do đó, trong các nguyên lý tương sinh của Ngũ hành, Kim sinh Thủy là 1 nguyên lý tâm linh, triết lý và vô hình, và cũng là nguyên lý tối cao của học thuyết Ngũ hành tương sinh, vì nó là sự tương tác giữa Trời và Đất để tạo nên vạn vật. Còn những nguyên lý tương sinh khác chỉ là sự tương tác giữa những vật thể với nhau trên trái đất để duy trì sự sống mà thôi, nên cũng dễ hiểu và dễ hình dung hơn.


2/ NGŨ HÀNH TƯƠNG KHẮC:

Mọi vật thể khi bị sát phạt, khắc chế sẽ đi đến chỗ tàn tạ, thoái hóa. Do đó, quan hệ tương khắc là để biểu hiện quá trình suy vong và hủy diệt của sự vật.

Nguyên lý của Ngũ hành tương khắc là: Hình 8: Ngũ hành tương khắc

     - KIM khắc MỘC.

     - MỘC khắc THỔ.

     - THỔ khắc THỦY.

     - THỦY khắc HỎA.

     - HỎA khắc KIM.

Những nguyên lý tương khắc chính là sự tương tác giữa những vật thể với nhau để đi đến sự hủy diệt. Như vậy, trong nguyên lý tương sinh, tương khắc của Ngũ hành, người xưa đã bao hàm cả triết lý sự sống là bắt nguồn từ Trời (Thượng Đế), nhưng trường tồn hay hủy diệt là do vạn vật trên trái đất quyết định mà thôi. Ngoài ra, nó cũng bao hàm hết cả quá trình Sinh – Vượng – Tử – Tuyệt của vạn vật rồi vậy.


3/ NGŨ HÀNH PHẢN SINH:

Tương sinh là quy luật phát triển của vạn vật, nhưng nếu sinh nhiều quá đôi khi lại trở thành tai hại. Điều này cũng tương tự như 1 em bé cần phải ăn uống nhiều thì mới mau lớn. Nhưng nếu ăn nhiều quá thì đôi khi có thể sinh bệnh tật hoặc tử vong. Đó là nguyên do có sự phản sinh trong Ngũ hành.

Nguyên lý của Ngũ hành phản sinh là:

     - Kim cần có Thổ sinh, nhưng Thổ nhiều thì Kim bị vùi lấp.

     - Thổ cần có Hỏa sinh, nhưng Hỏa nhiều thì Thổ thành tro bụi.

     - Hỏa cần có Mộc sinh, nhưng Mộc nhiều thì Hỏa bị tắc nghẽn.

     - Mộc cần có Thủy sinh, nhưng Thủy nhiều thì Mộc bị trôi dạt.

     - Thủy cần có Kim sinh, nhưng Kim nhiều thì Thủy bị ngầu đục.

4/ NGŨ HÀNH PHẢN KHẮC:

Khác với quy luật phản sinh, Ngũ hành phản khắc là khi 1 hành bị khắc, nhưng do lực của nó qúa lớn, khiến cho hành khắc nó đã không thể khắc được mà lại còn bị thương tổn, gây nên sự phản khắc.

Nguyên lý của Ngũ hành phản khắc là:

     - Kim khắc được Mộc, nhưng Mộc cứng thì Kim bị gãy.

     - Mộc khắc được Thổ, nhưng Thổ nhiều thì Mộc bị gầy yếu.

     - Thổ khắc được Thủy, nhưng Thủy nhiều thì Thổ bị trôi dạt.

     - Thủy khắc được Hỏa, nhưng Hỏa nhiều thì Thủy phải cạn.

     - Hỏa khắc được Kim, nhưng Kim nhiều thì Hỏa sẽ tàn lụi.

Cho nên trong sự tương tác giữa Ngũ hành với nhau, không chỉ đơn thuần là tương sinh hay tương khắc, mà còn có những trường hợp phản sinh, phản khắc sẽ xảy ra nữa. Biết hết được những điều này thì sự ứng dụng về nguyên lý Ngũ hành mới đạt được đến trình độ tinh xảo. Chẳng hạn như theo nguyên lý tương khắc, nếu nhà bị sát khí thuộc hành Hỏa thì dùng Thủy để chế ngự nó (vì Thủy khắc Hỏa). Nhưng nếu đã biết được nguyên lý Phản khắc thì sẽ thấy được là gặp lúc Hỏa khí quá cường vượng (như vào mùa hè, hoặc những năm BÍNH - ĐINH, TỴ - NGỌ...) thì nhiều khi Thủy vẫn không chế nổi Hỏa, mà còn gặp tai họa nữa là đàng khác. Chính vì vậy nên trong Phong thủy mới hay dùng nguyên lý “Chế không bằng Hóa”, tức là dùng hành mà sát khí phải sinh để hạ bớt mức độ tác hại của nó. Như trường hợp nhà bị sát khí thuộc hành Hỏa thì lấy Thổ để buộc Hỏa phải sinh Thổ, chứ không dùng Thủy để khắc Hỏa bao giờ. Có như vậy thì vào những lúc Hỏa trở nên cường vượng thì cũng vẫn bị Thổ làm cho suy yếu, chứ sẽ không xảy ra tình trạng Phản khắc mà gây ra tai họa.

Mặt khác, nếu đã biết nguyên lý Phản sinh, Phản khắc thì sẽ thấy khi muốn hóa giải sát khí trong Phong thủy thì cũng phải dùng những vật khí đủ lớn thì mới hóa giải được. Vì nếu vật khí Phong thủy nhỏ quá mà dùng cách “CHẾ” thì sẽ không đủ sức khắc phục được hung khí, nếu dùng cách “HÓA” thì sẽ bị sát khí vùi lấp mất mà biến thành vô dụng.

Một thí dụ khác như trong bài trước là người thích ăn đồ ngọt nhiều quá. Vì về mùi vị thì Ngọt thuộc Thổ, nếu ăn nhiều đồ ngọt quá thì trong người sẽ tích tụ nhiều Thổ khí, nên lâu ngày Thổ quá cường vượng mà vùi lấp Kim. Mà trong cơ thể thì Phổi thuộc Kim, nên nếu Thổ trong người quá cường vượng thì sẽ làm cho Phổi bị suy yếu và hay bị bệnh về đường hô hấp, nhất là những bệnh suyễn hoặc nghẹt thở, khó thở... (vì Kim bị Thổ vùi lấp).

Đó là 1 trong những lý do tại sao con người trong thời đại hiện nay thường hay bị những bệnh về dị ứng (allergy), với mức độ ăn uống, tiêu thụ những đồ ngọt (đường) nhiều quá. Ngoài ra, cũng còn do hít phải những khí phế thải của khói xe, nhà máy...tức những Hỏa khí được thải ra sau quá trình thiêu hủy và tiêu thụ năng lượng, khiến cho Phổi càng bị suy yếu (Hỏa khắc Kim) mà làm cho những bệnh về đường hô hấp lan tràn khắp nơi.

Trích nguồn: Sách "Phong thủy huyền không học" – T/g: Bình Nguyên Quân – Tái bản năm 2018.

Chú ý: Đây là kiến thức nền tảng, ứng dụng rất nhiều trong phong thủy và các môn huyền học khác, nên các bạn cần nhớ và hiểu.

Trân trọng!

P/s: Nếu bạn có nhu cầu bố cục phong thủy, thì hãy liên lạc tôi qua số điện thoại/zalo bên dưới.

--------------------------------------------------------------------
P/s: Các bạn khi chia sẽ, nhớ ghi nguồn nhé!
Ths. Kts. Bùi Quốc Hưng – 090.33.99.208
Facebook: Ngôi Nhà An Vui
Quản lý trang:
Thư viện XD360 - Tài liệu và Bản vẽ Xây dựng
CHIA SẺ KIẾN THỨC PHONG THUỶ
Phong Thủy-Dịch học Tp.HCM
--------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài viết nổi bật:

Tam Bảo: Tinh – Khí – Thần